50% người trả lời phải lót tay khi xin vào công chức

14/04/2015 21:31:15

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN năm 2014 cũng cho thấy chỉ 3% số người từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh đưa hối lộ dám đi tố cáo.

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN năm 2014 cũng cho thấy chỉ 3% số người từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh đưa hối lộ dám đi tố cáo.
Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2014 được công bố ngày 14-4 cho thấy mức độ nhũng nhiễu, vòi vĩnh ở một số lĩnh vực trong khu vực công có xu hướng gia tăng.

Trong chỉ số làm việc nhà nước, gần một nửa số người trả lời rằng muốn có việc làm trong khu vực nhà nước thì cần phải hối lộ.

24% số người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) đã phải chi trả thêm ngoài quy định để nhận được kết quả trong năm 2014.

Làm thủ tục giấy tờ nhà đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

12% bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân đã phải chi tiền bồi dưỡng thêm cho cán bộ y tế ở bệnh viện công lập tuyến huyện để được phục vụ tốt hơn.

30% phụ huynh phải “bồi dưỡng thêm” cho giáo viên để con em nhận được sự quan tâm ở trường tiểu học công lập.

Chỉ số PAPI năm 2014 cho thấy không có sự cải thiện đáng kể trong 6 chỉ số nội dung chính, gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công, và cung ứng dịch vụ công.

Điểm số của 5 trong 6 lĩnh vực có mức thay đổi dưới 2% so với khảo sát năm 2013.

Chỉ số tham gia của người ở dân ở cấp cơ sở sụt giảm nhiều nhất. Ví dụ bầu cử trưởng thôn chủ yếu mang tính hình thức, nhiều khi chỉ có một hoặc hai ứng cử viên để lựa chọn.

Chỉ số công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân cũng đạt tiến bộ không đáng kể. Ví dụ, trung bình chỉ có 8 trong số 100 người biết đến, đã đọc và tin tưởng các thông báo công khai về ngân sách ở quận, xã mình.

Chỉ số Thủ tục hành chính công cũng không có nhiều cải thiện. Cụ thể là, luật quy định việc xử lý hồ sơ thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất không được kéo dài quá 30 ngày nhưng thực tế 1/3 (khoảng 34%) người nộp đơn phải đợi 100 ngày mới giải quyết xong giấy tờ, và 8% phải đợi từ 100-720 ngày mới có kết quả cuối cùng.

Chỉ số nội dung cung ứng dịch vụ công có cải thiện chút ít về chất lượng cơ sở hạ tầng cơ bản và an ninh, và trật tự địa bàn khu dân cư. Tuy nhiên, mức độ hài lòng với chất lượng bệnh viện công cấp huyện lại giảm sút.

Chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng không ghi nhận tiến bộ gì. Thay đổi lớn nhất so với khảo sát lần trước là có nhiều người trả lời đồng ý rằng tham nhũng và hối lộ là vấn đề đáng lo ngại ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh.

Chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ (3%) số người đã từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh đưa hối lộ dám tố cáo các hành vi đó.

PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.

Từ năm 2009-2014, chỉ số PAPI đã thu thập và phản ánh đánh giá của gần 61.000 lượt người dân của 63 tỉnh, thành phố. Riêng năm 2014, PAPI đã phỏng vấn gần 14.000 công dân được lựa chọn ngẫu nhiên.

PAPI là kết quả nghiên cứu chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP).

>> Thi công chức ở Bộ Công Thương: Hủy kết quả, buộc thi lại
>> Điều kiện thi công chức Hà Nội: Quá chú trọng bằng cấp
>> Hà Nội: Người ngoại tỉnh muốn thi công chức phải có bằng tiến sỹ

Theo Quỳnh Trung (Tuổi Trẻ)

Nổi bật