5 chiêu thức lừa đảo phổ biến sau Tết Ất Tỵ: Ngày càng tinh vi, có người mất oan 1 tỷ đồng vì trò lừa đảo nhiều người trẻ 'sập bẫy'

10/02/2025 14:28:29

Trong những phương thức lừa đảo này có cả mới và cũ với thủ đoạn tinh vi khiến nhiều người sập bẫy, mất oan tiền tỷ dịp sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trong những phương thức lừa đảo này có cả mới và cũ với thủ đoạn tinh vi khiến nhiều người sập bẫy, mất oan tiền tỷ dịp sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

1. Xem bói online, dâng sao giải hạn đầu năm

Đầu năm mới Ất Tỵ 2025, chiêu thức lừa đảo xem bói online, dâng sao giải hạn lại nở rộ. Thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện tự nhận là "cô đồng" tại các chùa, đền; dọa dẫm người dân về việc họ có các vấn đề về tâm linh (có vong theo, vận hạn liên quan đến sức khỏe, tài chính…); mời chào, dụ dỗ người dân xem bói, làm lễ giải hạn hoặc nhận các vật phẩm phong thủy.

Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng công nghệ AI, phát trực tiếp (livestream), mạo danh nhà sư, nhà ngoại cảm để kêu gọi quyên góp hoặc bán bùa may mắn online.

 5 chiêu thức lừa đảo phổ biến sau Tết Ất Tỵ: Ngày càng tinh vi, có người mất oan 1 tỷ đồng vì trò lừa đảo nhiều người trẻ 'sập bẫy'

Mới đây, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triệt phá một nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân bằng hình thức lợi dụng lòng tin tâm linh.

Chỉ trong khoảng một năm, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 28.000 trường hợp, với tổng số tiền chiếm đoạt trên 8 tỷ đồng.

Một số dấu hiệu có thể nhận biết được những hành vi lừa đảo tâm linh:

- Dự đoán chung chung, gây hoang mang

- Yêu cầu nộp tiền hoặc mua vật phẩm với giá cao

- Mạo danh các đền chùa, thầy tu, pháp sư nổi tiếng

- Sử dụng livestream, AI để tạo hiệu ứng giả

2. Lừa đảo liên quan đến hoạt động du lịch, đặt phòng khách sạn

Mới đây, chị P.T.T. (SN 1988, trú quận Hải An, Hải Phòng) mất cả tỉ đồng khi đặt phòng tại khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình.

Chị T. kể, do có nhu cầu đặt phòng cho gia đình, chị tìm đến trang fanpage tích xanh của một resort ở Ninh Bình và đặt phòng tiền cọc. Không lâu sau, đối tượng báo chị T. viết sai nội dung chuyển khoản. Chị chuyển lại với cú pháp theo yêu cầu và được xác nhận thành công. Tiếp đó, đối tượng gọi video để tạo lòng tin cho chị, hướng dẫn chị cách lấy lại số tiền đã gửi sai cú pháp.

Đối tượng hướng dẫn chị sao chép mã xác thực là một dãy số do đối tượng cung cấp vào ô số tiền cần chuyển, còn nội dung là "kích hoạt VNpay". Trên thực tế, chị T. đã bị lừa chuyển cho đối tượng với số tiền chính là "mã xác thực". Bằng thủ đoạn "tiền đang treo" và lý do khách thao tác sai, máy bị lỗi... đối tượng yêu cầu chị T. nhập đi nhập lại các mã do chúng gửi theo cách trên. Sau nhiều lần chuyển "mã xác thực", chị T. đã bị đối tượng lấy đi hơn 1 tỷ trong tài khoản.

 5 chiêu thức lừa đảo phổ biến sau Tết Ất Tỵ: Ngày càng tinh vi, có người mất oan 1 tỷ đồng vì trò lừa đảo nhiều người trẻ 'sập bẫy' - 1

Thủ đoạn của các đối tượng này là copy website, fanpage, giả mạo thông tin của một số cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp du lịch uy tín để lừa đảo du khách có nhu cầu mua vé và đặt phòng lưu trú. Khi dụ dỗ được du khách lựa chọn dịch vụ và chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền này rồi chặn tài khoản mạng xã hội và cắt đứt liên lạc với nạn nhân. Hoặc dẫn dụ khiến khách mất một khoản tiền lớn.

Để tránh bị lừa đảo bằng hình thức trên, du khách trước khi lựa chọn đặt phòng khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, homestay… cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hoặc đặt phòng du lịch có sẵn trên các ứng dụng, cần hết sức cảnh giác với những lời mời chào đặt phòng giá quá rẻ, thấp hơn giá thị trường 20%-50%.

Sau khi đã kiểm tra chính xác thông tin liên hệ, cần tìm hiểu kỹ chính sách đặt, hủy phòng; yêu cầu khách sạn chuyển thông tin xác nhận đặt phòng, ngoài ra có thể đề nghị cơ sở cung cấp dịch vụ cho xem các Giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ tại địa phương...

3. Gọi điện lừa đảo mạo danh nhà mạng

Ra Tết, ông L.V.M (trú tại Hà Nội) nhận được một cuộc điện thoại lạ tự xưng là nhân viên nhà mạng Viettel, thông báo về việc nợ cước viễn thông, đồng thời yêu cầu ông đóng khoản tiền hơn 10 triệu đồng để chấm dứt khoản nợ. Khi ông M. thắc mắc về khoản tiền quá lớn, đối tượng đưa ra hàng loạt các lý do như gọi điện nước ngoài...

Thậm chí, đối tượng còn đe dọa ông nếu không thanh toán đầy đủ số tiền trong vòng 24 giờ sẽ cắt thuê bao và gửi đơn kiện, đồng thời sẽ có công an gọi điện đến để xác minh. Vì được cảnh báo kịp thời, ông M. đã không sập bẫy đối tượng, đồng thời trình báo công an về sự việc trên.

 5 chiêu thức lừa đảo phổ biến sau Tết Ất Tỵ: Ngày càng tinh vi, có người mất oan 1 tỷ đồng vì trò lừa đảo nhiều người trẻ 'sập bẫy' - 2

Thủ đoạn của các đối tượng này là giả danh nhân viên nhà mạng lớn, gọi điện thông báo nạn nhân đang nợ cước viễn thông với số tiền lớn. Nếu nạn nhân không thanh toán sẽ khóa số thuê bao, tạm dừng liên lạc và khởi kiện ra tòa. Các đối tượng thường xin địa chỉ, tài khoản cá nhân với lý do để kiểm tra lại nhằm thu thập các thông tin cá nhân của khách hàng (tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, hộ khẩu, tài khoản ngân hàng, mã OTP...) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an khuyến cáo, với các vấn đề liên quan đến thanh toán cước điện thoại hoặc nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ, người dân cần liên hệ đường dây nóng của nhà mạng hoặc đến các phòng giao dịch để được tư vấn, giải quyết kịp thời.

Người dân không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an xã, thị trấn; không có việc gọi điện thoại để yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

4. Lộ thông tin khách hàng, bên khác giao hàng giả mạo "siêu tốc"

Thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của các chị em vẫn ở mức cao. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng xấu đã đưa ra nhiều chiêu trò tinh vi để lừa đảo. Ví dụ như lấy cắp thông tin khách hàng rồi giao hàng giả mạo.

 5 chiêu thức lừa đảo phổ biến sau Tết Ất Tỵ: Ngày càng tinh vi, có người mất oan 1 tỷ đồng vì trò lừa đảo nhiều người trẻ 'sập bẫy' - 3

Cụ thể, thông thường khi đặt mua hàng trên mạng, chị em thường để lại địa chỉ, thông tin liên lạc ở các dòng bình luận của shop đó để đặt mua hàng. Rất nhanh chóng, những “đối thủ” của cửa hàng đó sẽ vào “cướp khách”. Có sẵn địa chỉ, những shop này sẽ giao hàng kém chất lượng một cách siêu tốc. Khi đó, khách hàng sẽ "hồn nhiên" nhận vì đúng là mình có đặt mặt hàng này. Tuy nhiên, vài hôm sau, shop chính chủ cũng gửi hàng tới, lúc này, người mua mới tá hỏa khi biết mình bị lộ thông tin, 2 bên shop cùng giao hàng. Và với shop chính thống đã đặt, khách đương nhiên không thể từ chối.

Vì thế, khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng cần thường xuyên kiểm tra về tình trạng đơn hàng của mình. Và để chắc ăn hơn, mọi người nên thanh toán bằng ví điện tử để được bên sàn hỗ trợ, giải quyết khi gặp mọi vấn đề phát sinh.

5. Kiểm soát điện thoại từ tài khoản ngân hàng lạ

Thời gian gần đây, trên MXH rộ lên chiêu thức lừa đảo mới, đó là đối tượng xấu kiểm soát điện thoại từ tài khoản ngân hàng lạ. Theo đó, sau khi có được số tài khoản của nạn nhân mục tiêu, kẻ gian có thể thử đăng nhập trên website của ngân hàng. Theo cơ chế bảo vệ, khi nhập sai nhiều lần, tài khoản sẽ bị khóa.

Khi bị khóa tài khoản, người dùng ít kinh nghiệm sẽ dễ hoảng loạn và tin theo lời kẻ gian. Họ có thể cung cấp cho nhóm lừa đảo một số thông tin cá nhân, thông tin đăng nhập, hoặc bị dụ cài phần mềm độc hại. Những mã độc này sau khi thâm nhập vào máy có thể yêu cầu cấp quyền truy cập sâu vào thiết bị, từ đó kẻ gian chiếm quyền điều khiển thiết bị và thực hiện nhiều hành động, như đánh cắp dữ liệu, theo dõi thiết bị và người dùng từ xa, chiếm thông tin nhạy cảm như mật khẩu, mã OTP, thậm chí có thể chuyển tiền bằng khuôn mặt sinh trắc học trên điện thoại của nạn nhân.

5 chiêu thức lừa đảo phổ biến sau Tết Ất Tỵ: Ngày càng tinh vi, có người mất oan 1 tỷ đồng vì trò lừa đảo nhiều người trẻ 'sập bẫy' - 4

Đây là chiêu trò mới, tinh vi và chuyên nghiệp, việc số tài khoản và số điện thoại thường được nhiều người công khai, có thể dùng chung hai số hoặc email để đăng nhập. Ngoài ra, thông tin này cũng được rao bán trên "chợ đen" dữ liệu và có nhiều cách để thu thập.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng cần lưu ý, khi gặp vấn đề về tài khoản ngân hàng, nên ra quầy thực hiện trực tiếp hoặc chủ động liên hệ qua kênh chăm sóc khách hàng chính thức của ngân hàng. Người dùng tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải về ứng dụng không rõ nguồn gốc; không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản nhân hàng, mã OTP dưới mọi hình thức.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Theo H.A (Kienthuc.net.vn)