Bằng lời nói dối và các mánh khóe, những kẻ lừa đảo sẽ cố gắng chiếm được lòng tin của nạn nhân rồi lợi dụng điều đó để trục lợi. Lừa đảo tình cảm là điển hình của chiêu thức này, ngay cả khi mọi người nhận thức được thì lừa đảo tình cảm vẫn ngày càng gia tăng.
Theo Báo cáo Tội phạm tài chính toàn cầu 2024 của Nasdaq, trong số những vụ lừa đảo phát triển nhanh nhất thế giới, lừa đảo tình cảm và các chiêu trò giành lòng tin khác đã gây ra thiệt hại 3,8 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2023.
Mặc dù chỉ chiếm chưa đầy 9% tổng số tổn thất toàn cầu do lừa đảo gây ra, nhưng những tổn thất về tinh thần và hậu quả về mặt cảm xúc mà nó gây ra cho nạn nhân là rất lớn và không cơ quan nào có thể thống kê được.
Góa phụ bị lính Mỹ giả danh lừa tình qua mạng, gánh khoản nợ khổng lồ
Bà Grace, 67 tuổi, một góa phụ người Australia, thường giữ liên lạc với gia đình và bạn bè qua mạng xã hội Facebook. Bà cũng hay tham gia các hội nhóm và chơi game qua mạng xã hội. Một ngày nọ, trong lúc chơi trò đố chữ, đối thủ của bà gửi một tin nhắn và hỏi thăm ngày hôm nay của bà như thế nào. Bà Grace cho rằng sự tương tác này là khởi đầu cho một mối tình lãng mạn mới đầy thú vị.
"Mọi chuyện bắt đầu một cách trong sáng", bà Grace kể với trang tin NAB của Australia từ nhà riêng ở New South Wales. "Ngày đầu tiên, chúng tôi chỉ trò chuyện và nói: Xin chào, ngày hôm nay của bạn thế nào", rồi sắp xếp thời gian để chơi game với nhau vào ngày hôm sau. Trong vài trò chơi tiếp theo, anh ấy nói tên là Malcolm James, đang phục vụ trong quân đội Mỹ và đóng tại Iraq. James nói anh ấy cảm thấy cô đơn và muốn tìm một người bạn đồng hành".
Trong 18 tháng tiếp theo, người xưng là Malcolm James đã lôi kéo Grace vào mối quan hệ mà bà cho là tình yêu. Trên thực tế, đó là một vụ lừa đảo dẫn tới một loạt yêu cầu về tiền bạc. Những gì xảy ra sau đó đã khiến cuộc sống của Grace rơi vào tình trạng không lối thoát, bà mất toàn bộ tiền tiết kiệm và rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Bà Grace cho biết: "Trong những tuần đầu, James rất đáng yêu và thực sự quan tâm tới tôi. Hai chúng tôi có mối liên hệ thật sự. Chúng tôi nói chuyện mỗi ngày. James gửi thơ cho tôi, chúng tôi chia sẻ ảnh và anh ấy nói tôi là thiên thần được gửi từ thiên đường xuống. Tôi hoàn toàn yêu James và chúng tôi đã sớm thảo luận về cách sẽ xây dựng cuộc sống cùng nhau khi anh ấy xuất ngũ. James nói rất muốn chuyển tới Australia để sống và vì là một kế toán được đào tạo nên anh ấy sẽ dễ dàng tìm được việc ở nơi cư trú mới.
Lần đầu tiên James đề cập tới chuyện tiền nong là khi chúng tôi tìm cách đặt vé máy bay để anh ấy đến Australia thăm tôi. James nói, tài khoản và thẻ tín dụng của mình bị khóa do một sự cố máy tính, vì thế anh ấy cần tôi chuyển tiền đến Nigeria - nơi anh ấy mới chuyển tới. James được cho là sẽ được quân đội trả một khoản tiền lớn vì anh ấy bị thương... Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để anh ấy tới Australia. Tôi không bao giờ nghĩ rằng đó là một vụ lừa đảo. Chúng tôi yêu nhau nên mọi chuyện đều có lý vào thời điểm đó".
Một lần đề nghị chuyển tiền rốt cuộc đã trở thành 10 lần khi James gặp hết vấn đề này tới vấn đề khác khi cố gắng tới Australia, từ cấp cứu y tế cho tới những cuộc chiến pháp lý.
Sau 18 tháng yêu đương qua mạng, bà Grace đã gửi tổng cộng 374.000 USD cho James và vay 35.000 USD với khoản thế chấp là căn nhà của mình. Tuy nhiên, sự thật cuối cùng được hé lộ khi James vô tình gửi cho bà Grace một lá thư mà anh ta đáng lẽ phải gửi cho một người phụ nữ khác tên là Sandra. Bức thư chứa đựng gần 6 tháng tin nhắn có nội dung y hệt những gì bà Grace nhận được từ cùng một địa chỉ gửi đi.
Người phụ nữ này chia sẻ: "Tôi bị sốc, tôi không thể tin được. Khi tôi chất vấn James về điều đó, anh ta gửi cho tôi một tin nhắn nói rằng: Có vẻ trò chơi đã kết thúc. Trái tim tôi vỡ tan và bản thân ngập trong nợ nần, không còn chút tiền tiết kiệm nào. Trò lừa đảo này đã hủy hoại cuộc sống của tôi, tôi chỉ muốn cảnh báo để không ai bị lừa như tôi nữa".
Hành động điển hình của kẻ lừa đảo
Theo các chuyên gia, những dấu hiệu dưới đây cho thấy bạn có thể đang tiếp xúc với một kẻ lừa đảo tình cảm qua mạng. Đối tượng lừa đảo thường tự nhận là công dân Mỹ, đang làm việc cho chính phủ, quân đội hoặc tổ chức cứu trợ. Kẻ lừa đảo thường cho biết đang làm việc ở nước ngoài và rất nhanh chóng bắt đầu mối quan hệ yêu đương với con mồi.
Một số đối tượng bộc lộ những sai sót về ngữ pháp và chính tả dù tự nhận là người bản xứ nói tiếng Anh. Chúng sẽ yêu cầu giao tiếp qua email thay vì qua trang web hẹn hò hoặc mạng xã hội và không bao giờ chịu gặp trực tiếp. Đối tượng luôn đề nghị mượn tiền.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)