Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 151/2024/NĐ-CP quy định rõ 4 loại phương tiện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo đó, 4 loại phương tiện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình gồm: ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ.
Những phương tiện này lắp thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Thông tin, dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình lắp trên 4 phương tiện này được kết nối, chia sẻ với Bộ GTVT (Cục Đường bộ Việt Nam), Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.
Nghị định nêu rõ, việc quản lý, sử dụng thiết bị, truyền dẫn, cung cấp, cập nhật, lưu trữ, sử dụng dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Theo đánh giá, việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình đã góp phần giảm tỷ lệ tai nạn giao thông cũng như tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000km. Cụ thể, năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1.000km, đến năm 2022 giảm xuống còn 0,75 lần/1.000km, giảm 15 lần.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng An toàn giao thông quốc gia bày tỏ ủng hộ việc quản lý xe cứu thương thông qua thiết bị giám sát hành trình.
Bởi vì trên thực tế lâu nay xe cứu thương (nhóm xe của tư nhân làm dịch vụ vận tải chở người bệnh) hoạt động không có quy định cụ thể về mức giá cũng như điều kiện hoạt động. Báo chí đã phản ánh tình trạng xe cứu thương hoạt động "chui" sẵn sàng thu tiền, bất chấp chưa được cấp phép hoạt động.
Đơn cử như vụ việc từng gây phẫn nộ vào tháng 8/2022 về một trường hợp ở Cà Mau đã phải chi tới 16 triệu đồng tiền xe cấp cứu đưa con từ Cà Mau lên TPHCM. Dù chấp nhận chi khoản tiền lớn để cứu con nhưng em bé không qua khỏi. Cạn tiền, người cha đành phải mang thi thể con bỏ vào một thùng xốp đưa về quê.
“Tôi cho rằng việc không có những quy định cụ thể đối với loại hình xe cứu thương là nguyên nhân đẩy người dân vào những tình huống oái oăm này”, ông Tạo nhận định.
Do đó, ông cho rằng việc yêu cầu xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe là công cụ cần thiết để minh bạch hóa hoạt động vận tải này.
Việc quy định điều kiện tổ chức, phương tiện được phép hoạt động vận chuyển người bệnh là cần thiết nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này, từ đó góp phần đảm bảo an toàn (bao gồm cả an toàn giao thông) cho người bệnh được vận chuyển.
Về quy định xe đầu kéo cũng phải lắp thiết bị giám sát hành trình, một chuyên gia giao thông khác cho rằng “dù chậm còn hơn không”, vì trên thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan loại phương tiện này đã xảy ra.
“Do đó, việc lắp thiết bị giám sát hành trình được kết nối với cơ quan quản lý là cần thiết, giúp cho doanh nghiệp, tài xế ý thức rõ hơn trong quá trình tham gia giao thông.
Tuy nhiên, bên cạnh việc trang bị "mắt thần" thì các cơ quan chức năng (lực lượng CSGT, cơ quan quản lý dữ liệu giám sát hành trình) cũng cần nâng cấp hệ thống, cập nhật, liên thông kết quả giám sát để xử lý kịp thời.
Việc đó để tránh tình trạng xảy ra như vừa qua khi hàng tháng sau cơ quan quản lý mới công bố các xe vi phạm, lúc này thiết bị giám sát hành trình chưa phát huy hết tác dụng của nó", vị chuyên gia bày tỏ.
Theo N.Huyền (VietNamNet)