Video: Gạc Ma 14/3/1988, cuộc thảm sát hèn hạ
Trong danh sách 64 chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma - Trường Sa, ngày 14.3.1988, liệt sĩ Võ Đình Tuấn (thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là người duy nhất trên địa bàn tỉnh đã hy sinh trong trận chiến này.
Trong ngôi nhà nhỏ, cụ Võ Ta (87 tuổi, bố ruột anh Tuấn) tỉ mẩn lục lại từng kỷ vật của con trai: “Chiếc cặp đi học, sấp ảnh con, bì thư, giấy tờ học tập thuở nhỏ… của nó được tôi đặc biệt lưu giữ. Mỗi khi nhớ tới con là tôi lấy ra xem. Hơn ba chục năm trước, nhà đông con, gia đình rất khó khăn. Tuấn là đứa chịu khó học hành. Biết nhà nghèo khó, nó cũng rất biết tiết kiệm”.
Nhắc đến đứa con đã mất, cụ Ta xúc động nghẹn ngào. Tuấn học xong lớp 12 và đi thi đại học, trong khi chờ kết quả thì trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Những ngày vào quân ngũ, Tuấn thường xuyên viết thư thăm gia đình. Những lá thư của con được cụ Ta nhớ như in: "Trong thư nào, nó cũng hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, người thân, động viên các em cố gắng học tập, bày tỏ quyết tâm rèn luyện...". Càng nói, nước mắt cụ Ta càng tuôn trào, giọng nói thưa dần, nấc nghẹn...
Ngồi cạnh cụ Ta, anh Võ Đình Dũng (em ruột liệt sĩ Tuấn) tiếp lời: “Khi tôi đang học lớp 9 thì anh Tuấn đi bộ đội. Sau đó không lâu, gia đình nhận tin anh Tuấn hy sinh ở Gạc Ma. Gia đình không thể tin đó là sự thật… Lần cuối chia tay ra Trường Sa, anh Tuấn có hứa năm sau về sẽ dành dụm tiền mua cho hai đứa em mỗi người một sắp vải để may đồ. Vậy mà anh đã ra đi, mãi mãi nằm lại giữa biển khơi...”.
Chỉ tay vào tấm màng kết từ vỏ ốc, anh Dũng cho biết, đây là những vỏ ốc được anh Tuấn nhặt từ ngoài biển, thu gom rất nhiều ngày, rồi đem về thuê người gắn kết lại. Tấm màng này được làm khéo léo, tinh tế với nhiều vỏ ốc có màu sắc và hình dáng khác nhau.
Đi từ phía sau nhà lên, cụ Phan Thị Đay (83 tuổi, mẹ liệt sĩ Tuấn) cất lời: “Thằng Tuấn nó ngoan hiền lắm, chú ạ! Ở đây ai cũng quý nó. Hễ ai có việc lớn nhỏ cũng thuê nó làm hết. Hồi đi học, rảnh rỗi là nó tranh thủ nhận việc làm thuê để kiếm tiền phụ gia đình…”. Cụ Đay kể, do nhà cách trường khá xa, gia đình dành dụm vài đồng cho con ăn sáng. Tuy nhiên, trong một lần tình cờ cụ lấy quần áo ra giặt, phát hiện số tiền vẫn còn y nguyên, không tốn đồng nào. Cụ Đay hỏi: “Sao con không ăn sáng?” thì anh Tuấn nói: “Để dành khi nào xe hư thì con có tiền sửa”... Lần cuối cùng cụ Đay gặp, nhìn thấy Tuấn với dáng người to khỏe, săn chắc, trưởng thành mừng lắm. Tuấn về mua cho bố, mẹ mỗi người một đôi dép mang vào vừa khít chân và hứa đợt sau sẽ tranh thủ thời gian lượm vỏ ốc bán để mua vải may quần áo cho mấy đứa em… “Ba chục năm rồi, nó không về thăm cha mẹ già và các em nữa. Vậy mà đêm nào, tôi cũng giật mình tưởng nó về…” - cụ Đay nói.
Anh Dũng chầm chậm kể thêm: “Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày lễ Tết, ngày tưởng niệm 14.3 là tôi cùng gia đình chạy xe vào Cam Ranh để thắp nhang ở tượng đài chiến sĩ Gạc Ma. Đó cũng là dịp để cha mẹ tôi được gần với anh, trò chuyện với anh nhiều hơn. Ông bà già rồi mà giờ cũng không có điều kiện để ra Trường Sa, thăm nơi anh Tuấn ngã xuống. Ông bà có một niềm mong mỏi rất lớn là một ngày gần nhất, người ta quy tập được hài cốt của anh tôi và các đồng đội về đất liền để gia đình chăm sóc, hương khói mỗi ngày”.
Sáng 14.3.1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin, lính Trung Quốc bất ngờ đưa quân và đưa tàu chiến đến ngăn cản.
Tại đảo Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang đã cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền.
Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15.3.1988.
64 chiến sĩ hải quân Việt Nam, trong đó có liệt sĩ Võ Đình Tuấn, đã anh dũng hy sinh. 9 chiến sĩ khác bị quân Trung Quốc bắt khi cố gắng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Theo Công Tâm (Dân Việt)