'Phải giữ mãi khí phách của chiến sĩ Gạc Ma trong bảo vệ chủ quyền'

14/03/2018 09:52:09

Video: Gạc Ma 14/3/1988, cuộc thảm sát hèn hạ

Chuyên gia quốc phòng Nguyễn Hồng Quân nói, "sự hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma tạo nên xúc động sâu sắc và là lời nhắc nhở cho các thế hệ người Việt Nam".

Nhìn lại sự kiện Gạc Ma sau 30 năm, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) nói, "cùng với việc tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền năm 1988, chúng ta cần rút ra bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay".

Theo ông, bài học đầu tiên là Việt Nam phải chủ động tăng cường tiềm lực của đất nước trong đó có tiềm lực quốc phòng để thực hiện kế sách "giữ nước từ sớm, từ xa"; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng bao gồm Quân chủng Hải quân. 

"Chúng ta hiện đại hoá quân đội không phải để đe dọa sử dụng vũ lực mà để có đủ sức mạnh vũ trang cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thực hiện chính sách hoà bình, tự vệ", ông nói.

'Phải giữ mãi khí phách của chiến sĩ Gạc Ma trong bảo vệ chủ quyền'
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng). Ảnh: Hoàng Thuỳ

"Bài học cảnh giác"

Bài học tiếp theo, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, Việt Nam phải luôn luôn cảnh giác trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. "Hiện xu thế chung là hoà bình, hợp tác, là đối tác chiến lược toàn diện của nhau, nhưng không vì thế mà chúng ta được phép mất cảnh giác. Đây là bài học của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước chứ không riêng thời kỳ nào", ông nói.

Thiếu tướng cũng nhấn mạnh đến bài học về việc phát huy tinh thần và khí phách anh dũng, thà hy sinh chứ không lùi bước, sẵn sàng dùng máu của mình để tô thắm lá cờ Tổ quốc của các chiến sĩ Gạc Ma; các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững các đảo, các điểm đá đóng quân, giữ vững nhà giàn DK1...

Theo ông, giai đoạn 1987-1988, trước tình hình phức tạp và khẩn trương ở quần đảo Trường Sa, Quân đội đã nhận định về khả năng xảy ra xung đột vũ trang. Lúc này Quân chủng Hải quân đề ra phương án triển khai lực lượng đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, đây là nhiệm vụ rất nặng nề, khẩn trương vì trong cùng một thời gian, ta phải đồng thời tổ chức đóng giữ ở cả 3 đảo với điều kiện phương tiện, trang bị còn cũ kỹ, thô sơ...

Ông nói, ở Gạc Ma lúc bấy giờ, "chúng ta chưa đưa lực lượng quân sự lên chiếm đóng mà chỉ có bộ đội công binh của Hải quân tay không có vũ khí, mang vật liệu xây dựng để xây kè". Dù vậy, khi bị tấn công, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã kiên cường tay không bảo vệ đảo. Họ tạo thành một "vòng tròn bất tử" ở giữa biển khơi và dùng tàu lao lên để chiếm giữ các đảo này.

"Sự hy sinh của các anh tạo nên xúc động sâu sắc trong lòng nhân dân Việt Nam, và càng nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", Thiếu tướng Quân nhấn mạnh.

"Dứt khoát không đi với nước lớn này để chống nước lớn khác"

Nguyên Phó viện trưởng chiến lược quốc phòng nêu các dẫn chứng về việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng ở các vị trí mà họ chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực và theo ông, khi các nước lớn cạnh tranh về chiến lược thì tất yếu tạo ra "cọ xát", tình hình sẽ có những chuyển biến khó lường trước.

"Với chính sách quốc phòng nhất quán của mình, chúng ta dứt khoát không đi với nước lớn này để chống nước lớn khác và lúc càng phải giữ vững sự độc lập, tự chủ", ông nói.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, Việt Nam cần chú ý tăng cường quan hệ với các nước lớn trong thế cân bằng, nhất là các nước có lợi ích, quyền lợi hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Việt Nam cũng phải tranh thủ và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực hiện nay.

Cùng quan điểm, TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ, cho rằng, Việt Nam không nên ngả về bên này để đối trọng với bên kia mà phải khai thác được cục diện quốc tế và khu vực để phục vụ tốt nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của mình; góp phần bảo vệ hòa bình, giữ vững an ninh, ổn định, hợp tác phát triển của khu vực và quốc tế.

'Phải giữ mãi khí phách của chiến sĩ Gạc Ma trong bảo vệ chủ quyền' - 1
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ. 

"Trong đất liền ấm thì ngoài biển đảo mới êm"

Theo ông Trần Công Trục, lâu nay Trung Quốc tích cực nâng cấp, xây dựng các đảo nhân tạo, lập các căn cứ quân sự,… mà họ chiếm đóng trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa, trong đó có xây dựng sân bay, quân cảng, khu hậu cần lớn trên đảo Gạc Ma.

Vì vậy, Việt Nam phải có những "bước đi" để ngăn cản các hoạt động nguy hiểm của Trung Quốc; thông qua biện pháp pháp lý, đàm phán với các bên liên quan, kênh tài phán quốc tế... Đồng thời, Việt Nam cũng phải cảnh giác với những âm mưu và hoạt động của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế như đấu thầu dầu khí, chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” trong khu vực họ yêu sách mà không dựa trên Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) - tức là khu vực không tranh chấp mà họ nhảy vào tranh chấp.

"Chúng ta cần dành công sức để nghiên cứu, phổ biến thông tin rộng rãi cho mọi người dân hiểu rõ lịch sử chủ quyền và luật pháp quốc tế về biển đảo; công khai lập trường; tạo được sự thống nhất trong nhân dân, khu vực và quốc tế để có tiếng nói đồng thuận, ủng hộ khi cần thiết", ông Trục nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của một người nghiên cứu lịch sử, GS Vũ Dương Ninh cho rằng, sự hùng cường của một đất nước từ nội lực bên trong là "vũ khí" hữu hiệu nhất để bảo vệ chủ quyền, để kẻ thù không dám xâm lấn vì họ biết rằng sẽ phải trả giá rất đắt. 

"Sự hùng cường ở đây không chỉ về quân sự, kinh tế mà cả chính trị, văn hoá; là sự đoàn kết, nhất trí từ lãnh đạo đến người dân. Chúng ta thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây là bởi có sự đồng tâm của cả đất nước. Trong đất liền ấm thì ngoài biển đảo mới êm", ông nói.

Theo Hoàng Thuỳ - Vũ Hoàng (VnExpress.net)