28 tuổi nhập viện tâm thần vì uống rượu từ khi mới dậy thì

30/05/2018 15:41:45

Trước kia, bác sĩ rất khó khăn khi tìm một bệnh nhân loạn thần do rượu để giảng cho sinh viên, bởi người nghiện dưới 40 tuổi rất hiếm. Ngày nay, điều đó đã hoàn toàn thay đổi.

Mới đây, theo công bố của Bộ Y tế, chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29 trên thế giới. 70% người dân Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu bia.

Tuy nhiên, đa số chúng ta chỉ nhắc tới tác hại của rượu bia đến sức khỏe với các bệnh như ung thư, bệnh gan, tim mạch, tai nạn giao thông. Ít người biết rằng sử dụng rượu bia thường xuyên còn dẫn tới nghiện rượu, nguy hiểm không kém tệ nạn nghiện ma túy, thậm chí tỷ lệ tử vong còn cao hơn.

Zing.vn đã trao đổi cùng Đại tá, PGS.TS.BS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội) về vấn đề này.

- Là người nhiều năm nghiên cứu về ngộ độc rượu, xin chuyên gia cho biết cơ thể chúng ta sẽ tiếp nhận và thay đổi ra sao khi sử dụng rượu (bia)?

- Khi uống rượu, chúng ta sẽ trải qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (trong 5 năm đầu): Lúc này tửu lượng người uống bắt đầu đi lên, tối đa một ngày nửa lít rượu, loại 40 độ cồn (loại rượu trắng bán ngoài thị trường). Giai đoạn này, người uống có các biểu hiện giống suy nhược thần kinh, chưa nghiện rượu, tức bỏ rượu vẫn không có hội chứng cai rượu. Ngay lúc này, tửu lượng của người uống đi lên vì chức năng gan còn tốt, tạo ra nhiều men chuyển hóa rượu ngay ở gan thành năng lượng. Song năng lượng này không tích lũy được, tạo ra bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu. Đây chính là lý do chúng ta bị nóng người khi uống rượu. Giai đoạn này, bệnh nhân mất phản xạ buồn nôn - phản xạ bảo vệ của cơ thể.

Giai đoạn 2 (khoảng 10 năm tiếp theo): Đây là giai đoạn lạm dụng rượu. Lúc này, người uống không thể bỏ rượu, dù chúng gây hại cho cơ thể như tăng huyết áp, loét tá tràng, gan nhiễm mỡ. Về mặt tinh thần, người uống thường chửi bới, gây gổ với người xung quanh. Điểm phân biệt giai đoạn thứ hai này với giai đoạn sau là khi ngừng, người uống chưa có hội chứng cai.

Giai đoạn 3: Mỗi ngày uống trên 300 ml rượu 40 độ cồn thời gian trên 10 năm. Đây chính là giai đoạn được xác định là nghiện rượu.

28 tuổi nhập viện tâm thần vì uống rượu từ khi mới dậy thì
GS.TS.BS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103). Ảnh: Hà Quyên.

- Dấu hiệu chứng tỏ một người nghiện rượu?

- Một người nghiện rượu được xét trên hai tiêu chí: uống rượu bia liên tục trên 10 năm với lượng tối thiểu là 300 ml loại rượu 40 độ cồn/ngày.

Người nghiện lúc nào cũng nghĩ đến rượu và tìm cách có rượu uống thỏa mãn cơn thèm của mình, giấc ngủ kém, đầy ác mộng. Khi ngủ dậy người nghiện bị run tay, đi lại loạng choạng nhưng khi uống một ngụm rượu, các triệu chứng trên biến mất vì vậy việc đầu tiên người nghiện làm sau khi ngủ dậy là uống rượu. Nếu cứ uống rượu liên tục và đều đặn thì không có hội chứng cai rượu nhưng vì một lý do nào đó như say rượu, bị tai nạn phải nhập viện và không được uống rượu nữa, lúc đó người nghiện sẽ bị rối loạn tâm thần.

- Thực tế con số 300 ml/ngày với nhiều đàn ông là quá bình thường. Họ thậm chí uống với số lượng cao hơn rất nhiều. Như vậy số người nghiện rượu sẽ rất nhiều, ai uống rồi cũng sẽ bị nghiện?

- Điều đó đúng. Bởi đàn ông khó kiểm soát được lượng rượu khi uống. Tuy nhiên, phải duy trì mỗi ngày ít nhất 300 ml với thời gian 10 năm thì mới gọi là nghiện rượu. Nhiều người đang uống thì mắc các bệnh như chảy máu dạ dày, tăng huyết áp, họ dừng không uống nữa thì không đến mức là nghiện.

Lúc đó, người ta chỉ ở mức độ lạm dụng rượu, tức uống có hại cho cơ thể, quan hệ, nghề nghiệp, gia đình. Số lượng lạm dụng rượu nhiều hơn nghiện rượu, cứ khoảng ba người lạm dụng rượu thì có một người nghiện rượu.

- Chuyên gia nhận định gì về thực trạng nghiện rượu hiện nay?

- Nghiện rượu đang trẻ hóa. Ngày trước, chúng tôi kiếm một bệnh nhân loạn thần do rượu để giảng cho sinh viên được xem là rất khó, vì người ta ăn còn chẳng đủ, lấy đâu để uống rượu bia. Thời điểm đó, người nghiện rượu có tuổi dưới 40 rất hiếm. Hiện tại, bệnh nhân nghiện rượu trẻ nhất tôi gặp mới chỉ 28 tuổi, tức họ bắt đầu uống từ 17, 18 tuổi và duy trì thường xuyên.

28 tuổi nhập viện tâm thần vì uống rượu từ khi mới dậy thì - 1
Bệnh nhân nghiện rượu trẻ nhất tôi gặp mới chỉ 28 tuổi, tức họ bắt đầu uống từ 17, 18 tuổi và duy trì thường xuyên. Ảnh: Hà Quyên.

- Tại sao những người sử dụng rượu bia lâu năm thường có sự biến đổi về tính tình theo hướng tiêu cực, điều này càng nguy hiểm khi người nghiện rượu đang trẻ hóa dần?

- Nhân cách người uống bia rượu sẽ bị biến đổi theo hướng bê tha, lè nhè, dễ giận dữ, ích kỷ, hay gây gỗ, đánh vợ chửi con, gây rối trật tự nơi công cộng.

Rượu ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan trong cơ thể vì hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa nhanh chóng, sau đó vào máu, đến gan, chuyển hóa ở gan. Gan là cơ quan đầu tiên tổn thương do rượu. Tiếp đến là não, rượu thấm qua não rất dễ dàng. Do đó, người nghiện rượu thường dễ mất kiểm soát, ức chế, ăn nói lung tung, hành vi không kiểm soát, đi đứng loạng choạng.

Lâu dài, cơ thể sẽ sử dụng năng lượng từ rượu gây ra. Do đó người uống không cần ăn, thậm chí cuộc nhậu chỉ cần vài quả ổi xanh, dẫn tới thiếu chất, thiếu protein, axit min, vitamin, đặc biệt là B1 có vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền chuyển hóa ở não. Do đó, người nghiện rượu sẽ bị teo cơ, họ thường có phần trên “hoành tráng”, phần dưới teo tóp do cơ thể lấy axit amin để cung cấp cho não.

Rượu cũng làm vỡ tế bào mỡ dưới da, làm khô da. Lượng mỡ đó sẽ đi vào máu, gây mỡ nhiễm máu dù người rất gầy. Cuối cùng số mỡ đó lại vẫn sang gan, làm gan nhiễm mỡ, lâu ngày tạo sợi xơ, xơ gan. Một điểm nữa là người nghiện rượu hay ghen tuông bởi họ thường bị liệt dương. Khi họ mất hết khả năng tình dục, sẽ nảy sinh nghi ngờ vợ/bạn tình ngoại tình.

Uống rượu bia lâu ngày cũng khiến não bị teo, trí nhớ kém, tính cách thay đổi. Não càng teo biến đổi nhân cách càng nhiều. Uống rượu càng lâu, nãocàng teo mạnh. Con người chắc chắn sẽ không còn bình thường nếu sử dụng bia rượu kéo dài.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng tăng báo động. Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu thủ công năm 2016 đạt 188 triệu lít trong đó sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít. 

Giai đoạn 2003-2005, mức độ tiêu thụ số cồn trung bình 3,8 lít/năm nhưng đến 2005- 2008 đã tăng gấp đôi là 6,6 lít.

“Dự tính, vào năm 2025, Việt Nam tăng mức độ tiêu thụ số cồn khoảng 7 lít cồn/năm. Tuy nhiên, con số này theo dự kiến của Tổ chức Thương mại thế giới có thể còn cao hơn nữa, ở mức 8,6 lít cồn/năm. Đây là con số quá cao so với dự kiến, báo động về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam”, bà Hạnh nói.

Đặc biệt, các nhà làm luật cho rằng xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng với gần 10% số trẻ vị thành niên/thành niên có sử dụng đồ uống có cồn này sau 5 năm, tỷ lệ nam chiếm 79,9% và nữ chiếm 36,5%.

Theo Hà Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật