Cục Đào tạo, Bộ Công an đã bàn giao 28 sinh viên trúng tuyển vào các trường công an nhân dân, được xác định liên quan gian lận điểm thi, về đơn vị sơ tuyển tại Hòa Bình để xử lý theo quy định.
Trong số 28 thí sinh này, có 17 thí sinh trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân; 9 thí sinh trúng tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân và 2 thí sinh trúng tuyển vào trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy.
Như vậy, những sinh viên này sẽ không được tiếp tục học trong các trường công an nhân dân.
GS Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho rằng những thí sinh liên quan đến gian lận thi cử bị đuổi học là việc cần làm, bởi những sinh viên này không đủ tiêu chuẩn.
Đồng quan điểm, GS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhận định: “Sinh viên sai khi các em không trung thực, biết điểm của mình được thay đổi theo hướng tăng lên mà không lên tiếng, vẫn tiếp tục xét tuyển vào đại học.
Việc đuổi học cũng là một bài học đau xót đối với các em. Cơ bản nhất vẫn là người mua và bán điểm. Vì thế, cần làm rõ danh tính của những người sửa điểm và mua điểm, thậm chí, cần xử lý nghiêm về hình sự”.
Liên quan đến vụ việc, em M.P - học sinh Trường THPT chuyên Hà Giang cho rằng: "Em vẫn thấy những thí sinh gian lận thi cử năm 2018 ở Hà Giang đi học tại các trường đại học, cao đẳng sau khi làm rõ điểm thật.
Như vậy là chẳng bị hình thức kỉ luật nào cả. Những thí sinh gian lận ở Sơn La bị dừng học tập thì các bạn ở Hà Giang cũng cần phải có hình thức xử lý thích đáng, đảm bảo công bằng, khách quan, có tính răn đe. Không thể làm sai rồi lại xí xoá đi như thế được".
Đề cập đến nội dung trên, ông Phạm Tất Dong cho rằng ở đây cần làm rõ và phải công bằng với các thí sinh.
“Chúng ta xử lý nhân văn nhưng không có nghĩa là cho qua tất cả. Những thí sinh đã dính đến gian lận điểm thi dù chưa sử dụng điểm này để xét tuyển vào các trường đại học nhưng vẫn cần có trách nhiệm, cần có biện pháp kỉ luật thích đáng.
Tôi cho rằng cần sự công bằng với tất cả các học sinh", ông Dong nói.
Từ đó, ông Dong cho rằng không nên công nhận kết quả thi, xét tuyển của những thí sinh đã gian lận thi cử trong năm 2018.
Nếu các em muốn tiếp tục đi học thì có thể được phép thi lại vào năm sau. Ông Dong cũng mong muốn những học sinh này học tập chăm chỉ, học thật, thi thật và cố gắng trong tương lai.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, người mua điểm càng là quan chức thì càng phải công bố để làm gương.
Cũng theo TS Vinh, việc công bố danh tính không phải coi là sự bôi nhọ đối với người được nâng điểm mà là sự răn đe cho hàng ngàn người khác có toan tính gian lận, để nền giáo dục sạch hơn và lấy lại lòng tin giáo dục.
Theo Huyền Nguyễn (Lao Động)