Công an đọc lệnh bắt người thứ 2 liên quan vụ sửa điểm ở Hà Giang
Chiều 8/4, trao đổi với chúng tôi, đại tá Lê Văn Canh - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Hà Giang, cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 bị can liên quan vụ sửa điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 ở địa phương này.
Hai Phó giám đốc Sở GD&ĐT bị khởi tố là ai?
Các bị can được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ quá trình điều tra mở rộng vụ án.
Họ gồm: Triệu Thị Chính (51 tuổi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, Phó chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi của Hội đồng thi THPT Quốc gia năm 2018); Phạm Văn Khuông (60 tuổi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (50 tuổi, Phó đội trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hà Giang).
Trong đó, bà Chính bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại điều 358 Bộ luật Hình sự. Hai người còn lại bị khởi tố tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, quy định tại Điều 366 Bộ luật trên.
Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang có 3 Phó giám đốc thì 2 người trong đó bị khởi tố.
Trước đó, cuối tháng 7/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hoài (51 tuổi, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang) và Vũ Trọng Lương (41 tuổi, Phó trưởng phòng này) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Điều tra ban đầu cho thấy, ông Lương được Sở GD&ĐT Hà Giang phân công sử dụng máy tính để quét bài thi trắc nghiệm. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, ngày 7/7/2018, ông ta đã tải đáp án về và lưu trong máy. Khi có nhiều tin nhắn gửi số báo danh thí sinh và mức điểm đến số điện thoại, Lương đã nhập vào máy tính.
Để vào được nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm, Lương được cấp trên lúc đó là ông Hoài đưa chìa khóa. Kết quả rà soát cho thấy 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng điểm đã chênh lệch từ hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với thí sinh chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh được tăng lên 26,8 điểm; thậm chí 29,95 điểm so với bài chấm thẩm định.
Cần công khai danh tính người "mua" điểm thi
Sau khi vụ án sửa điểm thi ở Hà Giang và một số tỉnh bị phanh phui, dư luận băn khoăn, đặt câu hỏi về việc có nên công khai danh tính phụ huynh, người thân của thí sinh thông đồng với cán bộ "mua" điểm thi?
Theo luật sư Trần Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội), Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định, tội đồng phạm là trường hợp có 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện một hành vi phạm tội. Ngoài ra, đồng phạm bao gồm người tổ chức, thực hành, xúi giục, giúp sức.
Luật sư cho rằng khi xác định được họ là tội phạm thì đương nhiên phải xử lý công khai danh tính theo quy định của pháp luật. Đối với thí sinh, các em không nhờ sửa điểm mà do một số cán bộ thực hiện. Do đó, học sinh không vi phạm quy định của pháp luật và không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cùng nói về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, gian lận trong kỳ thi THPT vừa qua khiến rất nhiều em có điểm cao bị nghi ngờ. Công khai những thí sinh được nâng điểm là cách lấy lại công bằng cho những em có điểm thật. Cơ quan chức năng có đầy đủ cơ sở pháp lý để công khai danh tính những thí sinh được nâng điểm, đảm bảo tính khách quan, công bằng, để phòng ngừa chung và cũng là cơ sở để xem xét xử lý những hành vi sai phạm của những người có liên quan.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), cho rằng những phụ huynh chạy điểm cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, xử lý hình sự hoặc hành chính, tùy thuộc mức độ vi phạm. Ông cho hay việc công khai danh tính thí sinh với toàn xã hội có thể không cần thiết, vì thực tế ngay cả những người phạm tội không phải trường hợp nào cũng công khai. Tuy nhiên, nhà trường cần phải thông báo riêng những trường hợp này, công khai trong lớp, trường học, để đảm bảo tính minh bạch.
Ngoài ra, cũng có thể nghiên cứu áp dụng việc cấm thi đối với những thí sinh này một thời hạn theo quy chế của ngành giáo dục. Còn ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho rằng việc công khai danh tính của thí sinh phải tuân thủ Hiến pháp 2013 và Luật Dân sự 2016. Công bố danh tính ở thời điểm nào, công bố đến đâu là quyền của cơ quan điều tra.
Theo Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)