“Nhóm vẫn đang tiếp tục hành trình và quyết định ngủ trong rừng để sáng mai xuống núi, nhưng có hai thành viên hoảng loạn đã gọi điện thoại cho cứu hộ 114 dù cả nhóm không đồng ý”, Nguyễn Tuấn Anh, thành viên của nhóm, chia sẻ.
Vốn dĩ, các bạn chọn phương án im lặng nhưng do thời gian qua mọi người trong nhóm bị dư luận phê phán quá nhiều về việc thiếu kỹ năng nhưng lại leo núi, gây phiền hà đến người khác. Vậy nên, một vài thành viên đã chia sẻ toàn bộ quá trình leo núi Bà Đen vào ngày 11/1 vừa qua, cùng với những khó khăn và sự cố đã khiến cả đoàn xuống núi chậm hơn so với dự kiến ban đầu.
Các thành viên trong đoàn đã khẳng định nhóm không đi lạc nhưng có hai thành viên yếu tâm lý đã gọi cứu hộ 114. Các bạn cũng cho chia sẻ thêm, nhóm cứu hộ chỉ khoảng 40 người chứ không phải 100 người như thông tin đã đưa. Và đoàn phượt đã gặp nhóm cứu hộ khi chỉ còn cách chân núi 30 phút đi bộ.
Nhóm 20 sinh viên khi xuống chân núi vào trưa 12/1. Ảnh: Tây Ninh online. |
Thành viên Phan Ngọc Bảo, người tham gia nhóm phượt 20 người kể lại, nhóm các bạn xuất phát từ Sài Gòn lúc 2h sáng chủ nhật, đến chân núi Phụng lúc 6h30 sáng. Dự định ban đầu leo Ma Thiên Lãnh, nhưng muốn thử thách cả nhóm nên mọi người quyết định bẻ cung, leo từ Núi Phụng, qua núi Heo, rồi mới đến núi Bà, có nghĩa là qua 3 đỉnh.
Nhóm không chọn đi đường mòn có sẵn, thay vào đó là leo ghềnh đá từ chân núi Phụng, sau đó là chui rừng dây leo. 11h, nhóm chinh phục xong đỉnh núi Phụng, 1h chiều chinh phục được đỉnh núi Heo, sau đó được người dân chỉ đường tắt lên núi Bà. Lúc 1h chiều cùng ngày, thể lực mọi người trong nhóm đều ổn, ăn uống đầy đủ, sau đó nghỉ ngơi 45 phút, cả nhóm tiếp tục hành trình.
“Vì đi cung đường mới ít người đi, nên nhóm rất khó khăn trong việc di chuyển, lúc này vài thành viên có dấu hiệu xuống sức, 1 bạn nam bị chuột rút, 1 bạn gái sợ độ cao đã bật khóc, mọi người hỗ trợ và động viên để tiếp tục di chuyển dù phải đi chậm hơn so với dự kiến. Đến 5h chiều cùng ngày, nhóm bắt đầu chinh phục tảng đá to nằm ở lưng chừng núi”, Bảo kể lại.
Nhóm phượt bắt đầu phân tách khi bạn nam chuột rút bị tụt lại phía sau. 5 bạn nam, trong đó có cả trưởng đoàn, ở lại hỗ trợ thành viên này. Bảo và một số bạn tự tìm đường lên đỉnh núi. Đi được một đoạn, Bảo cho nhóm dừng chân nghỉ cho đỡ mệt nhưng lúc này lại có thêm một bạn nữ tự ý đi trước để lên đỉnh núi.
“Lúc ấy trời đã gần tối, nhóm của trưởng đoàn vẫn chưa lên, bạn nữ kia chưa trở xuống. Đành lòng nhóm phải chọn giải pháp an toàn cho tất cả các thành viên trong đoàn, là di chuyển xuống núi theo cung Ma Thiên Lãnh. Nhóm cử 1 anh có kỹ năng tốt nhất lên đỉnh núi đón bạn nữ về, những người còn lại di chuyển xuống núi. Đến khoảng 7h30 tối, nhóm đã xuống được sườn núi, nằm ở khu vực rừng Ông Phủ, nhóm nghỉ chân tại chỗ, đợi 2 bạn kia về”, Bảo kể tiếp. Theo Bảo, dù phân tách nhóm nhưng mọi người vẫn giữ liên lạc với nhau và chưa ai rơi vào hoảng loạn. “Không ai nghĩ rằng mọi người đang lạc nhau cả”.
Bạn Tuấn Anh, thành viên của nhóm giải thích về lý do tách nhóm:“Thứ nhất, nhóm bạn yếu sẽ không đi theo kịp nhóm các bạn mạnh. Nếu để mọi người cùng chờ thì sẽ làm chậm tiến độ lên núi của cả đoàn cũng như ảnh hưởng đến tinh thần về lâu dài của đoàn, đồng thời vô tình tạo thêm áp lực cho 2 bạn yếu là “vì mình mà cả đoàn phải chờ”. Thứ 2, nhóm bị tách có 7 người bao gồm 2 bạn yếu và 5 bạn gần như mạnh nhất đoàn (trong đó có 3 thành viên đã từng leo Ma Thiên Lãnh). Việc hỗ trợ cho 2 bạn này là để tạo động lực cho các bạn có thể lên đến đỉnh núi cùng mọi người”.
Trưởng đoàn bong gân, hai thành viên hoảng loạn gọi cứu hộ
Chuyện phát sinh khi trưởng đoàn không may trượt chân bị bong gân nằm tại chỗ, không di chuyển được. Nhóm đã hỗ trợ trưởng đoàn chăm sóc vết thương. “Lúc này, hai bạn trong nhóm hoảng loạn vì không được lên tới đỉnh núi, lại lần đầu tiên ngủ đêm trong rừng nên đòi gọi người tới giúp, tâm trí rất bất an. Ban đầu, nhóm không đồng ý vì mọi người hoàn toàn có thể nghỉ ngơi để sáng mai xuống núi. Nhưng để củng cố tinh thần, mọi người trong đoàn thống nhất cho các bạn gọi cứu hộ 114”, Bảo kể lại.
Bạn Tuấn Anh cho biết việc gọi cứu hộ là điều duy nhất nhóm có thể làm để hai thành viên yếu tâm lý bám víu vào lúc đó. "Hai bạn đó cần cứu hộ, đó là lựa chọn của hai bạn, và nhóm tôn trọng điều đó".
Sau khi gọi cứu hộ, nhóm tiếp tục di chuyển, đường về đêm rất khó đi, vách đá cheo leo, vực sâu nguy hiểm nên mọi người di chuyển rất chậm, đến 10h đêm, nhóm có mặt ở 1 bãi chuối ven sườn núi. Nhóm quyết định ngủ qua đêm tại đó, sáng hôm sau di chuyển. Đồ ăn còn rất nhiều, chỉ thiếu duy nhất là nước nên mọi người phải hái chanh uống cho đỡ khát. Cả đêm hôm đó, nhóm không nhận được tín hiệu cứu hộ nào, hai thành viên yếu tâm lý cũng dần ổn định nên các bạn nghĩ rằng khi đến chân núi an toàn thì sẽ thông báo lại cho đội cứu hộ.
Sáng hôm sau, khoảng 7h nhóm bắt đầu di chuyển theo 1 hướng mới để xuống núi. “Lên núi thì khó chứ xuống núi rất dễ, cứ việc di chuyển đi xuống, chủ yếu là xuống nhanh hay chậm thôi”, các bạn cho biết.
Đến 10h sáng ngày hôm sau, nhóm di chuyển đến mỏm đá hướng Ma Thiên Lãnh, lúc này chỉ cách khoảng 30 phút là xuống đến chân núi.
“Ở vị trí này điện thoại bắt đầu có sóng, mình nhận được điện thoại của một số bạn hỏi thăm về tình hình bị lạc, hơi bất ngờ nhưng vẫn cảm ơn mọi người đã quan tâm. Hết người này đến người khác gọi hỏi thăm tình hình. Sau khi trả lời điện thoại của mọi người thì mình có nhận được điện thoại của 1 bạn nữ nói có người đem cơm và nước lên trợ giúp. Vì nhóm chỉ cách chân núi 30 phút nên mình đã từ chối. Nhưng vì bạn đó quá nhiệt tình nên mình đành cho mọi người ngồi nghỉ chân đợi nhóm phía sau tập trung đến để nhận trợ giúp”, Ngọc Bảo nói.
Bảo kể tiếp, các bạn ngồi chờ tầm 45 phút thì nhóm cứu hộ khoảng 40 người (bao gồm Công An, Cảnh sát Cơ động, PCCC và người dân) lên đến nơi. Các thành viên tiếp nhận nước và bánh từ những người cứu hộ để ăn uống lấy sức. 12 giờ 30 phút, nhóm được dẫn xuống núi và 1h trưa, cả nhóm có mặt tại chân núi. Bảo nói: "Mình không nghĩ sự việc ảnh hưởng lớn đến vậy, thật ra lúc đó nhóm cũng chỉ còn cách chân núi 30 phút, nhưng thấy các anh cứu hộ nhiệt tình quá, nhóm mới nghỉ chân để chờ họ lên".
Nhiều người cho rằng, nhóm bạn trẻ đã thiếu kỹ năng sinh tồn, về vấn đề này, Tuấn Anh giải thích: “Sinh tồn cũng phải có nguyên tắc của nó, có suối mới sinh tồn được, có thú ăn mới sinh tồn được. Bà Đen toàn đá và rắn độc, chúng tôi sinh tồn làm sao? Khi leo núi, chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho trường hợp “sinh tồn” giả định, đã mang theo 1 bộ kits tiện cho việc nấu ăn và sinh tồn trong thời gian 3 ngày. Nhóm cũng đã tính đến khả năng nếu hết nước mà chưa xuống chân núi sẽ uống luôn nước tiểu. Nhưng chúng tôi đã tìm xuống tới khu vườn chuối, chanh và lấy nước chanh uống cho đỡ khát".
Bài học về việc tuyển chọn thành viên cho cuộc hành trình
Sau chuyến đi này, rất nhiều thành viên đã có một trải nghiệm khó quên trong đời. Bạn Nguyễn Tuấn Anh thì rút ra bài học trong khâu tuyển chọn thành viên: “Nhóm đã không tuyển chọn những thành viên có sức khỏe đồng đều. Trong nhóm 20 bạn, có 5 bạn từng leo cung Ma Thiên Lãnh, 7 bạn khác có kinh nghiệm leo các núi tương đương. Tuy nhiên nhóm đã tuyển chọn sót 2 bạn (1 nam, 1 nữ) chưa từng leo núi và mắc bệnh sợ độ cao, bạn nam sau đó còn bị căng cơ và chuột rút. Hai bạn này đã bị tuột lại phía sau khi nhóm bắt đầu đi từ núi Heo qua Ma Thiên Lãnh và buộc nhóm phải phân tách”.
Lực lượng cứu hộ đưa bạn K.V, là bạn nữ yếu nhất đoàn xuống núi. Ảnh: Tây Ninh online. |
K.N cũng có chia sẻ những cảm xúc sau chuyến đi dưới tâm thế thoải mái dù bị áp lực từ dư luận. N. cho rằng, chỉ có người trong cuộc mới biết những buồn vui đã trải qua cùng nhau thôi: “Mình vẫn nhớ khoảnh khắc cả nhóm ngủ cùng nhau ở Vườn chuối có cây chanh, chị Út nhỏ ngáy say sưa bên tai mình còn Tuấn Anh ngủ miệt mài do quá mệt rồi. Một cô bé trong đoàn nhuờng áo khoác cho mình khi trời lạnh.
Gần 3h sáng, sương xuống, trời lạnh hơn, mình trả áo cho cô bé để em ấy ngủ, mình gần như lạnh run cầm cập. Không còn biết ngại ngùng gì nữa, kêu các bạn ngồi quây quần bên cạnh mình cho ấm. Ngồi bên bếp lửa bập bùng, xung quanh là những người bạn đã cùng nhau vượt qua sợ hãi, vượt qua giờ phút đầy khó khăn mới biết đó là giây phút tuyệt vời nhất! Rồi cùng nhau ngồi trên cây cao ăn xoài sống chấm muối, chia từng chút muối cho nhau nữa, kỉ niệm nối kỉ niệm. Mình sẽ không bao giờ quên chuyến đi này và hứa sẽ “phục thù Ma Thiên Lãnh” vào một ngày không xa”, N. viết trên facebook.
Vì sao không dùng GPS, smartphone để tìm đường xuống núi? Đó là câu hỏi của rất nhiều độc giả sau khi đọc được thông tin về nhóm đi lạc. Về vấn đề này, bạn Nguyễn Tuấn Anh giải thích: “Trên núi lúc đó vẫn có thể dùng được GPS, smartphone vẫn có thể hoạt động bình thường. Nhưng dù có dùng cũng không dễ như mọi người tưởng. Vì GPS áp dụng tìm đường ở đồng bằng thì dễ, còn trên núi lại rất khó khăn. Vì tính theo đường chim bay là 1km, nhưng phía trước còn không biết bao nhiêu hang sâu hoặc vách đá dựng đứng... hoàn toàn không khả thi. Nhóm đã chọn cách cho một bạn đi tiền trạm. Chúng tôi cũng đính chính là nhóm vẫn có khả năng xác định được phương hướng di chuyển chứ không phải là bị mất phương hướng như việc một vài phương tiện truyền thông nêu. Việc leo Bà Đen nhiều và đi theo hướng Ma Thiên Lãnh thì chỉ cần để ý là có thể chinh phục được vì có rất nhiều lối mòn của người dân đi lên”. |