Vừa qua, dư luận xôn xao sự việc phát hiện bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý tổ chức phòng bệnh thành một "động bay lắc" và mua bán ma túy tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Khi sự việc được làm rõ, phía lãnh đạo bệnh viện này có giải trình và cho rằng "không nắm được" việc làm của bệnh nhân. Đáng nói, sau hơn 1 tuần vụ án được triệt phá (20/3) đến (31/3) khi cơ quạ công an công bố thì phía bệnh viện mới báo cáo Bộ Y tế.
Rất nhiều câu hỏi khiến dư luận quan tâm về trách nhiệm của bệnh viện và những người trực tiếp quản lý người bệnh.
ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ không chấp nhận báo cáo ban đầu của Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Nguyễn Xuân Quý gần 3 năm chưa xuất viện
Ngày 30/10/2018, Viện Pháp y tâm thần Trung ương có Kết luận giám định pháp y tâm thần số 359/KLGĐ đối với Nguyễn Xuân Quý - bị can trong vụ án hình sự tàng trữ trái phép chất ma túy theo Quyết định trưng cầu giám định ngày 24/7/2018 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì.
Ngày 7/11/2018, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1.
Ngày 8/11/2018, Quý nhập Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, được điều trị tại Khoa 5.
Ngày 11/9/2019, Quý chuyển từ Khoa 5 sang Khoa Phục hồi chức năng điều trị.
Đáng chú ý, kể từ khi Quý điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng - Y học Cổ truyền cho đến nay bác sĩ điều trị là Đỗ Thị Lưu vẫn làm Trưởng khoa.
Theo quy định của pháp luật, Quý là người đang nằm trong diện chữa bệnh bắt buộc; theo quy định đối tượng phải chấp hành nghiêm các quy định của bệnh viện và chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các y, bác sỹ.
Nhiều người đặt câu hỏi, Quý là bệnh nhân như các người khác, đặc biệt lại là kẻ mang tiền án. Lẽ ra bệnh nhân này phải được lưu tâm đặc biệt, thậm chí là cảnh giác chứ không phải được "ưu ái" đến nỗi các nhân viên, cán bộ y tế và bác sĩ phải chiều theo hắn.
Theo ghi nhận, căn phòng A5 nơi Quý điều trị nằm trong dãy nhà 2 tầng vừa được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020. Đây được cho là căn phòng của bệnh nhân "VIP". Bất cứ ai muốn vào căn phòng này phải đi qua cửa chính của khoa phòng sau đó lên tầng 2 rồi mới vào được phòng riêng này.
Thật bất ngờ, dù đây là phòng bệnh rộng gần 100 mét vuông nhưng Quý được tự bỏ tiền cải tạo chia làm 3 phòng nhỏ ngăn bằng các tấm nhựa và chỉ bệnh nhân này mới có chìa khóa.
Phía bên ngoài có giường bệnh và vật dụng cá nhân như các buồng bệnh bình thường xung quanh, nhằm ngụy trang che mắt với người ngoài; 2 phòng nhỏ bên trong Quý thiết kế thành phòng “bay, lắc” sử dụng ma túy tại chỗ, được cách âm và đầu tư đầy đủ các dụng cụ phục vụ cho việc sử dụng ma túy cũng như loa đài, âm li, đèn chiếu, đèn nháy.
Là bệnh nhân đặc biệt nhưng ra ngoài bình thường
Theo các cán bộ điều tra, để tránh sự phát hiện từ bên ngoài, ma túy được Quý ngụy trang vào các túi trà, cà phê rồi cất giấu trên trần nhà của phòng bệnh (khoảng cách trống giữa trần nhà và tấm ốp trần).
Thời gian từ 21h đến 4-5h sáng, có từ 5-7 đối tượng đến phòng của Quý để sử dụng ma túy, mặc dù đây không phải là khung giờ cho phép bệnh nhân vào thăm. Tuy nhiên, Quý còn đưa gái “dịch vụ” vào phòng để bay, lắc.
Nếu vào giờ hành chính, Quý có thể ra ngoài thuê phòng để “bay, lắc”…, mặc dù đang là bệnh nhân điều trị bắt buộc.
Nhân viên y tế tiếp tay
Liên quan đến hoạt động của Quý, sau khi mất rất nhiều thời gian trinh sát, tổ công tác phát hiện manh mối khá quan trọng đó là Nguyễn Anh Vũ, kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chứng năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cũng xuất hiện trong phòng "bay lắc" của Quý.
Theo một cán bộ của Đội 7, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội, Vũ được xác định là kỹ thuật viên âm nhạc của bệnh viện nhưng đã cùng với Quý nhiều lần sử dụng phòng âm thanh chữa bệnh để “bay”, “lắc”.
Chưa dừng lại, sau mỗi lần “bay”, “lắc” tại phòng âm thanh, Vũ và Quý cùng các đối tượng tiếp tục vào phòng riêng của Quý để sử dụng trái phép chất ma tuý.
Bộ Y tế không chấp nhận báo cáo của bệnh viện tâm thần
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ không chấp nhận báo cáo ban đầu của Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Theo ông Quang đây là sự việc nghiêm trọng vi phạm pháp luật chưa từng có tiền lệ tại bệnh viện công ở Việt Nam.
Sau buổi làm việc sáng 1/4, đoàn kiểm tra đã yêu cầu bệnh viện làm rõ các điểm về quy trình, trách nhiệm trong sự việc này.
Cụ thể, bệnh viện phải giải thích được việc bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý thuộc đối tượng điều trị bắt buộc, theo quy định phải điều trị tại khu vực riêng có người theo dõi giám sát, tại sao lại đưa vào khoa điều trị tự nguyện, sau đó chuyển sang Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền. Khi điều trị tự nguyện, bệnh nhân phải tự trả tiền như thế là không đúng bản chất.
Việc điều chuyển bệnh nhân sang Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền có phải bệnh tình đã thuyên giảm? Vấn đề tiếp theo là phòng bệnh này làm trong bao lâu, tại sao lãnh đạo khoa điều trị và bệnh viện đều không ai biết?
Bộ Y tế cũng yêu cầu Ban lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần T.Ư I làm rõ việc có hay không hành vi nhận tiền của Nguyễn Xuân Quý và có hay không việc bao che để ổ "bay lắc" xảy ra trong bệnh viện.
Theo báo cáo ban đầu của bệnh viện thì tháng 2 vừa qua, bệnh nhân Quý mới lập phòng "bay lắc", trong khi Công an TP Hà Nội đã lập chuyên án điều tra sự việc từ tháng 1.
Rõ ràng việc tàng trữ và sử dụng ma túy đã có từ trước đó. Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện phải làm rõ trong số nhân viên bệnh viện ai là người tiếp tay cho tội phạm (ngoài đối tượng thác loạn đã bị bắt) và ai là người tham gia.
Theo ông Quang vụ việc xảy ra ngày 20/3 nhưng bệnh viện không cáo cáo Bộ Y tế, cho đến ngày 31/3, khi Công an TP Hà Nội công bố thì Bộ Y tế mới biết. Điều này cho thấy bệnh viện vi phạm nghiêm trọng trong quản lý hành chính nhà nước.
Theo Anh Đức (Pháp luật và Bạn đọc)