Chạy lũ trong đêm
Sáng 30/9, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (SN 1982, trú xóm 7, xã Hạnh Lâm, Thanh Chương) cùng 4 người con mới có thể về nhà sau hơn một ngày sơ tán khẩn cấp đến nhà người thân tránh lũ.
Gia đình chị Nguyệt mở cửa hàng tạp hóa và kinh doanh phân bón. Từ ngày 27/9, nghe tin ảnh hưởng của cơn bão Noru sẽ gây mưa lớn, nguy cơ ngập lụt ở Nghệ An, gia đình đã chủ động di dời tài sản đến những vị trí cao trong nhà.
“Ngày 28/9, mưa lớn kéo dài đến tận đêm. Nước tràn vào nhà rất nhanh. 1h sáng nước mới chỉ đến bắp chân, nhưng một tiếng sau đã lên đến gần nửa người. Chẳng kịp nghĩ nhiều, vợ chồng tôi ôm các con bỏ của chạy lấy người”, chị Nguyệt nhớ lại.
Mặc dù đã lên phương án chống lũ nhưng toàn bộ gian hàng cùng chiếc tủ lạnh cả chục triệu đồng của chị đều ngập sâu, 10 bao đạm urê loại 50kg cũng tan theo dòng nước.
“Thiệt hại gần 20 triệu đồng, chưa biết lấy vốn liếng ở đâu để kinh doanh tiếp”, chị Nguyệt rầu rĩ.
Cách nhà chị Nguyệt không xa, anh Thái Doãn Liễu (SN 1979, trú xóm 7, xã Hạnh Lâm) tất bật lau dọn dẹp nhà cửa. Nhà anh Liễu nằm sát sông Giăng nên đường vào nhà hiện vẫn ngập sâu cả mét.
“Từ sáng sớm 29/9, nơi đây chìm trong biển nước. Cả xóm chỉ còn một vài người lớn ở lại để trông coi tài sản. Nhiều nhà ngập sâu, gia chủ đành khoá cửa tìm nơi tránh trú, đợi nước rút”, anh Liễu nhớ lại.
Xuyên đêm dốc sức giúp dân
20h đêm ngày 30/9, trụ sở UBND xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương) vẫn tấp nập người ra vào. Mất điện diện rộng, xã phải chạy máy phát điện để thường xuyên cập nhật tin tức, thông báo qua loa phát thanh cho người dân.
Đây đã là đêm thứ hai người dân xã Hạnh Lâm bị nước lũ cô lập, bốn bề mênh mông nước khiến cuộc sống người dân vô cùng khó khăn.
“7 xóm bị cô lập thành 4 vùng. Riêng tại xóm 6, xóm 7, nước ngập lên tới nóc nhà một số hộ dân. Đêm đầu, chính quyền phải huy động lực lượng sơ tán người già, trẻ nhỏ lên trường Tiểu học Hạnh Lâm cơ sở 2”, Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm Đặng Hữu Hạnh tâm sự.
21h đêm, lãnh đạo xã nhận được cuộc gọi của xóm trưởng xóm 7 thông báo mưa to kết hợp thuỷ điện xả lũ, nước tiếp tục dâng, mong được hỗ trợ áo phao, đèn pin trong trường hợp phải tiếp tục sơ tán dân.
“Biết đi thuyền trong đêm tiếp cận vùng lũ là rất khó khăn, vất vả nhưng không thể để bà con bơ vơ giữa mênh mông biển nước, không điện, không đèn biết đâu mà chạy lũ”, ông Hạnh trăn trở.
21h30, một chiếc cano chở 3 cán bộ xã cùng các vật dụng cần thiết tiếp cận, hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Do địa phương chủ động công tác tuyên truyền vận động, nên công tác phòng tránh thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn được chú trọng. Đến thời điểm sáng 30/9 mọi người đều an toàn, chỉ có thiệt hại một số vật nuôi của người dân.
Theo số liệu thống kê của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương, tính đến sáng 30/9, trên địa bàn huyện vẫn còn 38 xóm bị nước lũ cô lập với 1.319 nhà bị ngập, có 26 nhà bị sạt lở phải di dời.
Theo Trần Tuyên (VietNamNet)