Tối 6/9, 160 người dân sống tại chung cư xuống cấp A7 Tân Mai (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) đã được chính quyền di dời đến Trường tiểu học Tân Mai, cách đó 300m để đảm bảo an toàn trước khi siêu bão Yagi (cơn bão số 3) đổ bộ.
Theo ghi nhận của PV, vào thời điểm 22h30, hàng chục người dân sinh sống tại chung cư A7 Tân Mai đã bắt đầu di chuyển về trường tiểu học cách đó chừng 300m. Tại ngôi trường mới được xây này, chính quyền đã chuẩn bị các nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, nước uống, chăn chiếu cho người dân. Phường Tân Mai đã thành lập các tổ công tác gồm các ban ngành đoàn thể để hỗ trợ người dân.
Vừa được lực lượng chức năng bố trí chỗ ngủ trong một phòng học tại trường tiểu học Tân Mai, ông Nguyễn Hữu Vỵ (86 tuổi) thở phào cho hay, chiều ngày 6/9, khi Hà Nội xuất hiện mưa dông lớn, ông đã vô cùng lo lắng bởi gia đình đang sinh sống trong căn hộ cũ tại chung cư A7.
“Mấy hôm nay, nghe tin siêu bão sắp về chúng tôi rất bất an vì khu chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm. Tới tối nay, được các cán bộ phường Tân Mai bố trí chỗ trú bão tạm tại đây, chúng tôi rất mừng”, ông Vỵ chia sẻ.
Gần đó, bà Hoàng Thị Mai (78 tuổi, vợ ông Vỵ) cho hay, hai vợ chồng đã gắn bó tại chung cư A7 Tân Mai 40 năm năm qua. Do công trình có tuổi đời lâu nên không còn bảo đảm.
“Đợt bão lần này, được lãnh đạo phường Tân Mai quan tâm, bố trí chỗ ở tạm an toàn, tôi rất yên tâm”, vừa sửa soạn lại chăn màn, bà Mai vừa nói. Bà cũng cho biết thêm, bà chỉ cầm theo một số giấy tờ tuỳ thân, sổ hưu cùng chiếc máy tính bảng của chồng. Còn lại tài sản trong nhà vợ chồng bà Mai khoá lại cẩn thận.
Cùng tâm trạng như vợ chồng ông Vỵ, bà Hoàng Thị Huyền (65 tuổi) cho biết, bản thân rất yên tâm khi ở nơi đảm bảo an toàn.
"Nghe tin cơn bão rất nguy hiểm, tốc độ gió lớn tôi cảm thấy rất lo lắng vì toà chung cư của hơn 50 hộ dân chúng tôi sinh sống đã xuống cấp từ lâu. Được sự quan tâm của UBND quận và phường cùng lực lượng chức năng giúp đỡ tất cả các hộ dân được di dời tránh bão an toàn. Bên cạnh đó, các cấp cũng lo nơi ăn chốn ở khang trang sạch sẽ. Chúng tôi rất cảm ơn và cảm thấy rất yên tâm", bà Huyền chia sẻ.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Gắng (Tổ phó phụ trách nhà A7) cho biết, "Từ năm 2008 đến nay, khu tập thể A7 rơi vào tình trạng xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng, nên chính quyền cũng đã vận động người dân rời khỏi khu tập thể A7 để đảm bảo an toàn khi bão số 3 đổ bộ. Gia đình tôi gòm có 5 người thì 3 người di chuyển về nhà em gái ở phường Bạch Đằng ở tạm còn tôi và con rể ở lại khu tập thể đến giờ phút cuối cùng".
Ông Gắng chi biết, khu tập thể A7 có 48 hộ dân với 160 nhân khẩu. Sau khi chính quyền vận động di tản, hầu hết mọi người đều tự lo được chỗ ở như về nhà người thân, một số người còn lại có hoàn cảnh khó khăn, già cả, neo đơn... thì được hỗ trợ đưa về nhà thể chất của phường Tân Mai tránh trú.
Trước đó, chiều 6/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung khẩn cấp ứng phó với bão số 3.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ mất an toàn do hệ thống điện, công trình, cây xanh gãy, đổ….
Chủ tịch thành phố nhấn mạnh: Kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân); đặc biệt lưu tâm đến các trường hợp, khu vực đã xảy sự cố, thiệt hại đáng tiếc về người trước đây liên quan đến tai nạn khi đi qua khu vực bị ngập, đánh bắt cá, vớt củi...
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.579 chung cư cũ, xây dựng trong giai đoạn 1960 - 1992. Trong đó có hàng chục chung cư đang trong tình trạng nguy hiểm ở mức độ D nhưng vẫn có người ở.
Theo Lữ Phụng Tiên (Thanh Niên Việt)