Uống xong chén rượu ngâm sáp ong, người đàn ông ở Gia Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng) xuất hiện ngứa, nổi ban đỏ toàn thân, phù 2 mi mắt, khó thở. Gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cấp cứu.
Qua thăm khám, bác sĩ nhận định bệnh nhân có biểu hiện của phản vệ độ 2 và nhanh chóng tiến hành điều trị theo phác đồ. Sau một ngày cấp cứu, tình trạng của người bệnh đã ổn định.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính. Phản ứng phản vệ có thể do bất kỳ tác nhân nào trong môi trường khi người đó tiếp xúc như:
- Thức ăn: Đậu phộng, một số loại hạt, động vật có vỏ, cá, sữa và trứng là những chất gây dị ứng thực phẩm phổ biến nhất.
- Thuốc: Một số người có thể bị dị ứng với thuốc, ví dụ penicillin hoặc aspirin.
- Nọc động vật: Vết đốt của ong (ong mật, ong bắp cày, ong đất…) hoặc các loại côn trùng khác.
Các triệu chứng của phản ứng phản vệ như đỏ bừng mặt, ngứa, nổi mề đay, phù mạch, sổ mũi, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, cảm giác nghẹt thở hoặc khó thở, đánh trống ngực. Trường hợp nặng có thể ngất, rối loạn ý thức.
Mới đây, khoa cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc Trung tâm Y tế thành phố Đông Triều (Quảng Ninh) đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ 61 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì sốc phản vệ độ III.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, vật vã, kích thích nhiều, không tiếp xúc được, chưa được xử trí tại chỗ.
Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân hôn mê, suy hô hấp, phổi hai bên co thắt mất thông khí, HA 230/110 mmHG, M 126 l/ph, ban đỏ rải rác toàn thân.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi vào viện, bệnh nhân tự thái hành tại nhà với số lượng lớn. Sau hít phải lượng lớn hơi từ hành thoát ra bệnh nhân xuất hiện khó thở, mất ý thức, gọi hỏi không đáp ứng.
Dựa trên các dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phản vệ độ III chưa rõ nguyên nhân, suy hô hấp và hen phế quản.
Ekip cấp cứu đã nhanh chóng triển khai các biện pháp điều trị tích cực. Sau 24 giờ điều trị, tình trạng bệnh nhân đã có những cải thiện đáng kể. Bệnh nhân được rút nội khí quản, tỉnh táo hơn, có khả năng tiếp xúc, các triệu chứng khó thở giảm và tình trạng phát ban trên da cũng thuyên giảm. Sau 5 ngày điều trị và theo dõi tích cực, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện.
HL (SHTT)