Áp dụng Chỉ thị 16 đối với một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất, sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Ba vùng gồm: nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).
Trên cơ sở phân vùng, "vùng đỏ" có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 với nguyên tắc "ai đâu ở đó", dập dịch triệt để.
Tại các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn là "vùng xanh", thành phố điều chỉnh biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ "vùng đỏ".
Hiện, thành phố có 6 ổ dịch phức tạp gồm: ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai); chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình); phường Văn Miếu, Văn Chương (quận Đống Đa); phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và xã Tân Lập (huyện Đan Phượng).
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư 3.409 ca, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.559 ca, số ca mắc là các trường hợp đã được cách ly 1.850 ca.
Theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid 19, "vùng đỏ" (nguy cơ rất cao) với cấp huyện là có 30% số xã trở lên có nguy cơ rất cao; 50% số xã trở lên có nguy cơ cao hoặc có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 50% số xã.
"Vùng cam" (nguy cơ cao) ở cấp huyện, có 30% số xã trở lên có nguy cơ cao nằm rải rác trên địa bàn huyện; 50% số xã trở lên ở mức độ nguy cơ hoặc có 1 xã nguy cơ rất cao; có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 20% số xã.
"Vùng xanh" (mức bình thường mới) là các địa bàn không thuộc hai vùng nêu trên.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)