Sau 6/9, Hà Nội chia ba vùng để áp các biện pháp giãn cách xã hội khác nhau. Theo đó, "vùng đỏ" tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.
Còn khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh" điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg (15+) của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ" bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn được phép quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trước Thành phố.
Thế nào là "vùng đỏ", "vùng cam" và "vùng xanh"?
Theo Quyết định 2686 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, 4 mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc:
- Màu xanh: Mức bình thường mới.
- Màu vàng: Mức nguy cơ.
- Màu cam: Mức nguy cơ cao.
- Màu đỏ: Mức nguy cơ rất cao.
Cụ thể: 1. "Vùng đỏ" - nguy cơ rất cao, khi có một trong các yếu tố dịch tễ sau:
- Cấp xã có chùm F0 chưa rõ nguồn lây, hoặc có F0 xác định được nguồn lây nhiễm từ khu công nghiệp, trường học, siêu thị lớn và các khu vực có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, khó truy vết.
- Cấp huyện có 30% số xã trở lên có nguy cơ rất cao, nằm rải rác trên địa bàn huyện hoặc có 50% số xã trở lên có nguy cơ cao. Hoặc có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 50% số xã.
- Cấp tỉnh có trên 30% số huyện có nguy cơ rất cao và nằm rải rác trên địa bàn tỉnh hoặc có 50% số huyện trở lên có nguy cơ cao. Hoặc có ổ dịch lớn khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan nhanh trên 50% số huyện và lây sang tỉnh khác.
2. "Vùng cam" - Nguy cơ cao, khi có một trong các yếu tố dịch tễ sau:
- Cấp xã có F0 chưa rõ nguồn lây hoặc có F0 xác định được nguồn lây trong nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ dân sinh, bệnh viện... có nguy cơ lây nhiễm cao. Hoặc liền kề với xã hoặc địa bàn có điều kiện qua lại thuận tiện được đánh giá nguy cơ rất cao.
- Cấp huyện có 30% số xã trở lên có nguy cơ cao, nằm rải rác trên địa bàn huyện hoặc có 50% số xã trở lên ở mức độ nguy cơ hoặc có 1 xã có nguy cơ rất cao. Hoặc có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan nhanh trên 20% số xã. Hoặc có khu công nghiệp, cơ sở sản xuất quan trọng (theo chỉ đạo của cấp tỉnh) cần phải bảo vệ tuyệt đối an toàn, tiếp giáp với khu vực có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, khó truy vết.
- Cấp tỉnh có 50% số huyện trở lên ở mức độ nguy cơ hoặc có 2 huyện trở lên ở mức độ nguy cơ cao hoặc có 1 huyện có nguy cơ rất cao. Hoặc diễn biến dịch có tình huống bất thường chưa lường trước được trong khi năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị chưa đảm bảo và chưa đáp ứng được ngay, cần tạm thời đặt trong trạng thái nguy cơ cao hơn.
3. "Vùng vàng" - Nguy cơ, khi có một trong các yếu tố dịch tễ sau:
- Cấp xã có F0 xác định được nguồn lây trong cộng đồng, hoặc có F1, người đi về từ vùng dịch trong nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ dân sinh, bệnh viện... có nguy cơ lây nhiễm cao. Hoặc liền kề với xã hoặc địa bàn nguy cơ cao và có điều kiện qua lại thuận tiện. Hoặc có nguy cơ xâm nhập cao từ nhập cảnh trái phép và cách ly nhiều.
- Cấp huyện trong vòng 14 ngày, số F0 xác định được nguồn lây vượt tỷ lệ 1/100.000 người. Hoặc có xã ở mức độ nguy cơ rất cao hoặc 20% xã có nguy cơ cao hoặc 30% xã có nguy cơ.
- Cấp tỉnh trong vòng 14 ngày, số F0 xác định được nguồn lây vượt tỷ lệ 1/100.000 người. Hoặc có từ 20% số xã ở mức độ có nguy cơ hoặc 50% số huyện có nguy cơ hoặc 30% số huyện có nguy cơ cao hoặc có từ 2 huyện có nguy cơ rất cao.
4. "Vùng xanh" - Bình thường mới, là những xã, huyện, tỉnh không thuộc các mức trên.
Các cấp chính quyền căn cứ mức độ nguy cơ để chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng theo thẩm quyền.
Số ca mắc Covid-19 tại 30 quận, huyện của Hà Nội?
Đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến sáng 3/9, Hà Nội ghi nhận tổng 3.379 ca Covid-19, trong đó 1.554 ca ngoài cộng đồng và 1.825 ca đã được cách ly.
Trong đợt dịch này tính đến sáng nay, quận Thanh Xuân có nhiều ca mắc nhất với 502 ca, thấp nhất là huyện Ba Vì chỉ với 8 ca.
Cụ thể số ca mắc tại từng quận, huyện của Hà Nội như sau:
1. Những quận, huyện vượt 300 ca mắc, gồm: Thanh Xuân (502), Đông Anh (371), Đống Đa (369), Thanh Trì (326), Hoàng Mai (323).
2. Những quận, huyện vượt 100 ca mắc, gồm: Hai Bà Trưng (256), Thường Tín (149), Hà Đông (133), Hoàn Kiếm (129 ca), Ba Đình (103 ca).
3. Những quận, huyện từ 20 - 100 ca mắc, gồm: Bắc Từ Liêm (95), Thạch Thất (87), Hoài Đức (72), Gia Lâm (53), Long Biên (51), Cầu Giấy (43), Quốc Oai (42), Sóc Sơn (36), Nam Từ Liêm (35), Đan Phượng (33), Mê Linh (31), Mỹ Đức (21 ca).
4. Những quận, huyện dưới 20 ca mắc, gồm: Phú Xuyên (16), Ứng Hòa (16), Thanh Oai (15), Phúc Thọ (13), Chương Mỹ (9), Sơn Tây (9), Ba Vì (8).
Thành phố hiện có 6 ổ dịch diễn biến phức tạp, gồm:
- Ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân từ ngày 23/8: hiện có 399 ca.
- Ổ dịch phường Văn Miếu (quận Đống Đa) từ ngày 30/7: hiện có 111 ca.
- Ổ dịch phường Văn Chương (quận Đống Đa) từ ngày 17/7: hiện có 89 ca.
- Ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, từ ngày 24/8: hiện có 46 ca,
- Ổ dịch xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) từ ngày 28/8: hiện có 16 ca.
- Ổ dịch chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) từ ngày 28/8: hiện có 16 ca.
Clip: Có một Hà Nội khác lạ ngày Quốc khánh 2/9 |
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)