Trước đó, sáng 3/11, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 1 bệnh nhân nam, 32 tuổi được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol từ tuyến dưới chuyển lên, trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp tụt.
Xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu rất cao 141mg/dL, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương não lan tỏa rất nặng, mặc dù đã được giải độc cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng không hồi phục và gia đình đã xin về nhà.
Theo lời kể của người nhà, 3 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có mua rượu đựng trong túi nilon từ một quán tạp hóa về uống cùng 3 người khác trong phòng trọ. Sau 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, nhìn mờ, chậm chạp dần và rơi vào hôn mê, được đưa vào tuyến tỉnh điều trị sau đó được chuyển lên Trung tâm Chống độc.
Xét nghiệm trong rượu bệnh nhân đã uống do gia đình mang đến cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 20,21%, trong khi đó nồng độ rượu thông thường methanol chỉ có 11,42%. Loại rượu này được thông tin là "rượu đóng can nhựa 30 lít, tên là "Rượu nếp", "Hầm Rượu Việt". Đáng chú ý loại rượu này có hình thức giống hệt với loại rượu đã gây vụ ít nhất 3 người bị ngộ độc ngộ độc cồn công nghiệp methanol nhập viện vào ngày 12-14/10/2020 đang được các cơ quan chức năng kiểm tra.
3 người còn lại cùng uống rượu với bệnh nhân cũng được chẩn đoán ngộ độc methanol, may mắn qua điều trị tình trạng ngộ độc đã hồi phục tốt.
Như vậy, liên quan tới sản phẩm rượu mang tên "Rượu nếp", "Hầm Rượu Việt", đã có 2 vụ ngộ độc methanol với ít nhất 7 người bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong và 1 người tổn thương mắt và não. Có thể có các nạn nhân khác chưa được phát hiện, bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với bệnh khác do chẩn đoán ngộ độc methanol không dễ dàng và dễ nhầm với nhiều bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc khuyến cáo, đây là trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống phải loại rượu giả, loại rượu có nồng độ methanol rất cao gây ngộ độc. Ông khẳng định, qua quá trình làm việc với tất cả các bên chuyên môn và quản lý trong và ngoài nước, cùng với các bằng chứng khoa học, với cách lên nấu rượu truyền thống, lên men và ủ, trưng cất rượu truyền thống từ ngũ cốc thì không bao giờ gây ngộ độc methanol. Sản phẩm có nồng độ methanol cao như thế này chỉ có từ quá trình pha cồn công nghiệp và đóng chai thành sản phẩm rượu rởm.
"Đây vẫn xuất phát từ vấn đề quản lý hóa chất cồn công nghiệp của chúng ta chưa chặt chẽ. Cồn công nghiệp methanol không phải do người dân sản xuất ra, mà từ nhập khẩu, từ sản xuất bởi các công ty lớn để phục vụ cho các mục đích hoàn toàn không phải để uống hay sát trùng. Tuy nhiên, hóa chất này đã bị "tuồn từ trong ra ngoài" vào tay kẻ xấu, dẫn tới họ đóng thành các loại rượu rởm, các loại cồn sát trùng rởm gây ngộ độc cho người tiêu dùng và nguy hiểm cho cả hệ thống y tế của chúng ta", bác sĩ cho biết.
Bệnh viện khuyến cáo, người dân cần thận trọng với sản phẩm rượu có tên nêu trên, tốt nhất không dùng. Nếu đã trót uống loại rượu này thì cần đến ngay các khoa cấp cứu hồi sức của các bệnh viện tỉnh hoặc các cơ sở y tế có điều kiện xét nghiệm khí máu động mạch để kiểm tra. Bạn vẫn cần đi kiểm tra kể cả khi cơ thể cảm thấy bình thường và đã uống loại rượu đó trong vòng 8 ngày. Nếu cảm thấy cơ thể mệt quá thì tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu ổn định trước sau đó kiểm tra ngộ độc cồn công nghiệp methanol.
Theo Minh Nhân (Nhịp Sống Việt)