Video: 6 cây cầu nổi tiếng Hà Nội bắc qua sông Hồng
Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội do Pháp xây dựng (1898-1902), đây cũng chính là cây cầu đầu tiên vượt sông Hồng.
Đoạn qua sông của cầu Long Biên dài 2.290m, phần đường dẫn dài 896m, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m (kể cả móng), đường dẫn xây bằng đá.
Cầu có đường sắt đơn ở giữa, hai bên là đường dành cho xe máy, xe đạp và người đi bộ (đi trên đường dành riêng). Đường cho các loại xe là 2,6 m và luồng đi bộ là 0,4 m.
Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, trên quốc lộ 1A tại km170+200, địa phận Hà Nội, nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên.
Thiết kế ban đầu của cầu ước tính đáp ứng 7.000 phương tiện mỗi ngày nhưng sau đó lượng xe tăng gấp 3-4 lần.
Thiết kế ban đầu của cầu ước tính đáp ứng 7.000 phương tiện mỗi ngày nhưng sau đó lượng xe tăng gấp 3-4 lần.
Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án các cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàng Mai với quận Long Biên,
Cầu chính dài 3.084 m với tổng chiều dài hơn 12.000 m, rộng 33,10 m với 6 làn xe chạy (4 làn xe cao tốc), tốc độ cho phép 100 km/h có tổng mức đầu tư gần 5.700 tỷ đồng.
Đây là cây cầu góp phần cơ bản giải quyết ách tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội. Cầu Thanh Trì được coi là dự án cầu lớn nhất Đông Dương hiện nay.
Cầu Vĩnh Tuy là một cây cầu bắc qua sông Hồng, phía đầu cầu bên trung tâm Hà Nội nằm ở địa phận phường Vĩnh Tuy, thành phố Hà Nội, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên.
Cầu Vĩnh Tuy được khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2010 với tổng mức đầu từ gần 3.600 tỷ đồng có chiều dài gần 5 km. Phần cầu qua sông dài 3.690m. Phần cầu chính được bố trí chuỗi nhịp dài 990m, rộng 38m.
Sắp tới Hà Nội sẽ tiến hành xây dựng cầu Vĩnh Tuy mới nhằm mục đích hoàn thiện cầu Vĩnh Tuy theo đúng thiết kế quy hoạch trước đó.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ năm 1974 đến năm 1985. Cầu giàn thép dài 3.250m, gồm 2 tầng với 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ. Hai làn cầu riêng biệt rộng 3,5 m mỗi làn dùng cho phương tiện thô sơ.
Phần giữa tầng một là đường dành cho tàu hỏa chạy tuyến Văn Điển - Bắc Hồng và xe máy, xe đạp rộng 11 m. Tầng hai có chiều rộng 21 m dành cho các loại xe cơ giới; hai làn dành cho người đi bộ tham quan.
Cầu được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị. Đây là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất của Hà Nội.
Cầu Nhật Tân là một cây cầu được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng.
Mặt cầu rộng 43,2 m với 8 làn xe cho cả hai chiều, chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe máy, 2 làn xe buýt phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ. Cầu dài 3,9 km và có đường dẫn 5,27 km, trong đó phần chính của cầu qua sông dài 2,5 km.
Cầu được xem là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô, và cũng tượng trưng cho 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân - Hà Nội.
Theo Hữu Thắng (Nguoiduatin.vn)