Một số tuyến đường nối vòng xoay cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với đường Trì Bình - Dung Quất (huyện Bình Sơn) xuất hiện nhiều điểm sạt lở dù mùa mưa mới bắt đầu.
Toàn cảnh vòng xoay cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nối với đường Trì Bình đến cảng Dung Quất. Làm việc với huyện Bình Sơn ngày 2/11, đại diện Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VEC) thừa nhận vòng xoay cao tốc ở huyện Bình Sơn đang lún quá mức cho phép và cần 300 ngày để khắc phục. Vòng xoay cao tốc đấu nối vào đường Trì Bình đi cảng Dung Quất nhằm phục vụ cho quá trình đầu tư, phát triển Khu kinh tế Dung Quất đa ngành, đa lĩnh vực. Nút giao thông này được đấu nối có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển lọc hóa dầu, hóa chất, các ngành công nghiệp nặng có quy mô lớn, các hoạt động đầu tư du lịch thương mại, tài chính gắn với khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai, đô thị Vạn Tường, đô thị Dốc Sỏi. Dù tuyến cao tốc 34.500 tỷ đồng đã đưa vào khai thác 2 tháng, nhưng nhiều hạng mục công trình vòng xoay này vẫn ngổn ngang. Ông Đoàn Hà Yên, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết qua trao đổi, đại diện VEC thừa nhận đường nhánh C1 nối cao tốc vào đường Trì Bình - Dung Quất bị lún vượt qua thiết kế đã được duyệt. Điểm sụt lớn ở nơi kết nối giữa cầu vượt cao tốc với đường nhánh dẫn vào Trì Bình - Dung Quất. Đại diện VEC cho hay đường nhánh nối vòng xoay cao tốc ra đến đường sắt Trì Bình cao 14 m, nhưng đến nay đã sụt lún hơn 1 m. Chủ đầu tư đề xuất xử lý chờ gia tải chống sụt lún kéo dài đến 300 ngày, huyện Bình Sơn lo ngại vòng xoay chậm kéo dài gây cản trở giao thông cho người dân, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển Khu kinh tế Dung Quất. Đất cát và đá nằm ngổn ngang ở khu vực vòng xoay cao tốc. Hạng mục công trình này thuộc gói thầu A3 dài 10,6 km (Km 99+500 - Km 110+100) do Công ty TNHH công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) làm nhà thầu chính. Tổng giá trị gói thầu này khoảng 1.360 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế Giới (WB). Mới trải qua vài cơn mưa đầu mùa, mái taluy đoạn qua vòng xoay cao tốc này đã bị sạt trượt. Nhà thầu Giang Tô đã ký hợp đồng với nhà thầu phụ là Công ty Anh Cường để thi công hạng mục vòng xoay này. Mái taluy từ đường cao tốc lên cầu vượt nối về đường Trì Bình - Dung Quất sạt lở nham nhở. Theo lãnh đạo huyện Bình Sơn, nếu dự án vòng xoay này chậm kéo dài, người dân địa phương lẫn doanh nghiệp đầu tư ở Khu kinh tế Dung Quất muốn lên cao tốc để ra Đà Nẵng phải đi đường vòng mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí vận tải. Họ buộc xuất phát từ huyện Bình Sơn vượt đường xa 30 km đến Trạm thu phí Quảng Ngãi, qua xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh), hoặc đi xa 40 km ra đến Trạm thu phí Tam Kỳ (Quảng Nam) mới có lối lên cao tốc. Mưa lớn gây sạt lở làm lộ lớp đá hộc bên trong với nhiều kích cỡ khác nhau. Kỹ sư cầu đường Nguyễn Hoàng Ngân cho rằng sụt lún thường xảy ra ở nền đất yếu là đất có cường độ chống cắt kém, khả năng biến dạng lớn do rỗng tự nhiên, có nguồn gốc khoáng vật như sét trầm tích trong nước hoặc hữu cơ như đất than bùn. Sụt lún thường có hai dạng sự cố lún sụp - trượt trồi và lún kéo dài. Rãnh sạt lở lớn ở mái taluy đường nhánh C1 nối từ vòng xoay cao tốc với đường Trì Bình - Dung Quất. Theo ông Ngân, trong quá trình thi công phải quan trắc lún, nếu phát hiện có dấu hiệu lún sụp - phình trồi phải báo để đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư xử lý. Nhà thầu có thể dùng bệ phản áp, nghĩa là đắp đất rộng thêm xung quanh chân đường và giảm bớt tốc độ đắp đất để xử lý lún. Quá trình thi công, nếu không nạo vét lớp bùn hữu cơ trên mặt ruộng cũng dễ làm gia tăng tình trạng sụt lún này. Lớp bê tông mỏng nham nhở bên điểm sạt trượt gần mặt cầu vượt nối vòng xoay cao tốc với đường Trì Bình - Dung Quất. Kỹ sư cầu đường Nguyễn Văn Tuấn (ngụ Quảng Ngãi) cho hay trong trường hợp công trình ở đường nhánh nối vòng xoay cao tốc với đường Trì Bình - Dung Quất lún kéo dài trên nền đất yếu đắp cao 14 m, với độ lún hơn 1 m như đại diện VEC xác nhận, thì dù gia tải 300 ngày vẫn chưa thể xử lý dứt điểm sụt lún. Nhà thầu phải liên tục bù phụ mặt đường nhiều năm sau đó, nhất là đoạn giáp cầu để xe chạy êm thuận. Rãnh sạt lở dày đặc, lõm sâu vào lòng mái taluy đường nhánh, gần khu vực vòng xoay cao tốc. Theo ông Tuấn, nếu khảo sát địa chất khu vực này xác định nền đất yếu mà đơn vị tư vấn thiết kế cho đắp đường cao 14 m với độ dốc lớn hơn 1:1 là vô lý. Vì theo quy chuẩn đắp đường cao 14 m, phải mở rộng chân taluy thành 21 m gọi là 1:1.5. Chưa khảo sát, giám định, chủ đầu tư đã quyết định chờ 300 ngày gia tải chống lún rồi mới thi công tiếp là vội vàng. Nút vòng xoay cao tốc còn ngổn ngang chưa được lắp rào chắn an toàn đoạn qua xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn). Các chuyên gia cầu đường đề xuất nền đường đã lún 1 m thì nhà thầu tiếp tục quan trắc xử lý sụt lún đến khi tốc độ lún nhỏ hơn quy định. Sau đó tiếp tục thi công chỉ mất 2-3 tháng chứ không thể chấp nhận kéo dài thời gian gần cả năm được. Xe tải, xe xúc của nhà thầu Anh Cường nằm ngổn ngang gần công trường vòng xoay cao tốc nhiều tháng qua. Lãnh đạo xã Bình Nguyên xác nhận nhà thầu thi công vòng xoay cao tốc này là Công ty Anh Cường (Hà Nội) tạm dừng thi công nhiều tháng qua. Phía nhà thầu cho biết do nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) nợ nần, chưa chuyển tiền nên họ đành tạm ngừng công việc ở khu vực này. Nhà thầu Anh Cường dùng nhiều cống thoát nước làm hàng rào chắn đầu đường nhánh nối từ vòng xoay cao tốc vào đường Trì Bình - Dung Quất, vừa gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông vừa mất mỹ quan. Trước tình hình này, huyện Bình Sơn yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công đường kết nối Khu kinh tế Dung Quất và một số khu vực lân cận với đường cao tốc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Minh Hoàng (Tri Thức Trực Tuyến)