Thay vì đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới trong tiếng cười, những đứa trẻ ấy phải ngược xuôi trong viện, tay sưng phù vì vết kim chích và gánh chịu nỗi đau xác thịt của quá trình chạy thận.
Chiếc giường sát cửa phòng Thận nhân tạo ré lên tiếng trẻ thơ. Là tiếng của Đào Hải Đông (15 tuổi, quê Tiền Giang). Bên cạnh, bà ngoại Đông liên tục xoa bóp lưng cho cậu bé, nhưng thay vì đỡ đau, cậu bé đâm bực dọc và nạt ngoại. "Đông chạy thận 7 năm rồi cậu à. Ba mẹ nó đi làm kiếm tiền nên tôi phải chăm. Mỗi tuần nó được chạy thận 3 lần. Tết năm nay, lịch chạy thận của Đông là ngày 30 và mùng 2" – bà ngoại bệnh nhi nói. Cách đó không xa, bé Nguyễn Mai Thanh Tùng (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cũng co ro vì đau đớn. Cũng 15 tuổi như Đông nhưng em có thâm niên đến 12 năm chạy thận. Điều dưỡng Nguyễn Đình Vũ cho biết, Tùng là cậu bé chạy thận lâu nhất ở khoa. Sau khi hạnh phúc gia đình đổ vỡ, Tùng về sống với mẹ. Hiện chi phí điều trị của em tầm 1 triệu đồng/tháng. Đã làm việc nhiều năm tại đây, nhiều lần điều dưỡng Tùng không kìm được cảm xúc khi nhìn bàn tay bệnh nhi sưng vù, máu ứa ra từ những lần chạy thận. Vì lịch chạy thận cho trẻ dày đặc, những ngày xuân về, các nhân viên y tế ở đây cũng không được nghỉ ngơi bao nhiêu. Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận – Nội tiết, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, dịp Tết 2018, toàn khoa có tổng cộng 33 trẻ hiện đang chạy thận. 80% số bệnh nhi là dân ngoại tỉnh nên gần như phụ huynh và các cháu phải ở lại. Cũng như vậy, các y bác sĩ tại khoa chỉ được nghỉ vào sáng mùng 1 Tết. Trước đây những gia đình không có điều kiện mướn trọ sẽ phải nằm hành lang. 2 năm nay, bệnh viện đã tìm được một nhà từ thiện để có chỗ tá túc tạm cho các phụ huynh. Nằm mệt mỏi, bé Nguyễn Huỳnh Thế Phương hồn nhiên cho biết, tuần nào em cũng chạy thận nên Tết hay ngày thường cũng giống nhau. "Hồi đó chưa bệnh thì mấy anh còn qua nhà rủ con chơi đánh bài. Giờ hết rồi…" – Phương nói. 7 năm nuôi con chạy thận, chị Châu Thị Thanh Tuyền (38 tuổi, quê Bình Chánh) không còn nước mắt để khóc. Để có chi phí điều trị, thuốc thang hơn 5 triệu đồng/tháng cho con, chị tranh thủ xin làm "thư ký dạo" cho các công ty xây dựng. Quê gốc Khánh Hoà nhưng từ khi con mang căn bệnh thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo mỗi tuần, vợ chồng chị Trần Thị Thu Hạnh phải bán nhà, lên Sài Gòn thuê nhà trọ. Tuần ba lần, vợ chồng chị phải chở con từ huyện Hóc Môn lên bệnh viện ở trung tâm Sài Gòn. Bé Trần Lê Phương Vy (15 tuổi, quê Vĩnh Long) đã chạy thận 2 năm. Mức lương công nhân bèo bọt khiến ba của Vy không có thời gian vào thăm em thường xuyên. Vy nhớ nhà lắm. Biết được nhiều gia đình bệnh nhi phải ăn Tết trong viện, các mạnh thường quân đã trao tặng những phần quà nhỏ để giúp họ phần nào đỡ hiu quạnh. Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, để giải quyết dứt điểm bệnh tật, các em phải được thay thận. Tuy nhiên do chi phí ghép thật vô cùng đắt đỏ cũng như nguồn thận hiến ít ỏi, đến nay khoa chỉ đủ điều kiện ghép thận cho 15 trường hợp. Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)