Quảng Ninh hối hả tận thu gỗ rừng thiệt hại sau cơn bão số 3
04/10/2024 14:23:25
Bão số 3 (Yagi) đã làm khoảng 120.000ha/340.000ha đất có rừng của Quảng Ninh bị thiệt hại, trong đó có những cánh rừng bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng phục hồi.
Dọc theo tỉnh lộ 234, quốc lộ 279, QL18 kéo dài từ Hạ Long đi Vân Đồn, lên tới vùng sơn cước Hoành Bồ, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu là cảnh hoang tàn của những cánh rừng chết mòn sau siêu bão Yagi
Người trồng rừng ở Quảng Ninh tận thu gỗ rừng bị thiệt hại và dọn dẹp, vệ sinh rừng, tạo đường băng cản lửa mới
Đây là những việc cần làm ngay để tránh thảm họa cháy rừng khi miền Bắc đang bước vào mùa hanh khô.
Tại huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh) có 96% dân số sống nhờ rừng. Thời điểm này việc thuê nhân công vô cùng khó khăn, dù chi phí thuê nhân công cao hơn nhiều so với ngày thường, khoảng 350.000 đồng/người/ngày
Các thân cây keo được bóc vỏ ngay tại chỗ để khi bán được giá hơn. Giá keo trắng (keo đã bóc vỏ) hiện bán được với giá khoảng 1 triệu đồng/tấn, keo đen có giá 750.000 đồng/tấn, giảm sâu do với thời điểm trước bão số 3
Anh Hoàng Văn Sơn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) cho biết bà con trong thôn tự động viên nhau, giúp đỡ nhau tận thu keo. Rừng bị thiệt hại cũng sẽ được phục hồi sau 5-7 năm nữa, nhưng mất người thì không thể lấy lại. Còn người là còn của nên người dân lạc quan cùng động viên nhau khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Chính quyền địa phương đang hỗ trợ người dân các đầu mối tận thu gỗ rừng sau bão. Đồng thời, cử các đoàn thống kê, kiểm đếm chính xác số lượng rừng thiệt hại để nhanh chóng hỗ trợ người dân theo cơ chế chính sách.
Một điểm tập kết, thu mua gỗ Sa Mộc sau bão tại thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ. Cây Sa Mộc dẻo dai hơn nên không bị bão đánh gãy ngang thân như keo. Trung bình mỗi ngày có khoảng 50 tấn gỗ được đưa đến cơ sở này.
Không có nhân công, bà Lý Thị Liên, khoảng 70 tuổi, ở huyện Ba Chẽ cũng tham gia róc vỏ với giá tiền công 3.000 đồng/cây. Một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn có thể róc vỏ được 100 cây sa mộc/ngày tương đương với thu nhập 300.000 đồng/ngày.
Sau siêu bão, nhiều địa phương đã chuẩn bị cây giống để khôi phục lại rừng. Riêng huyện Ba Chẽ, thiệt hại trên 18.000ha keo cần hơn 2 năm để trồng phủ xanh diện tích này.
Tuy nhiên, khả năng cung cấp giống trên địa bàn huyện Ba Chẽ còn hạn chế. Trên 30 cơ sở ươm giống tại địa bàn với hơn 2 triệu cây con chỉ đảm bảo đủ khả năng cung cấp giống cho khoảng 500 ha.
Ông Nguyễn Đức Bảo, khu 2 thị trấn Ba Chẽ, chủ một cơ sở ươm giống cho biết dù đã thuê thêm nhiều nhân công ở tỉnh khác về làm nhưng việc ươm giống mới chỉ đáp ứng nhu cầu của gia đình, chưa dám nhận cung cấp cho hộ dân nào khác trên địa bàn.
Thiếu giống cây trồng là khó khăn chung trên địa bàn Quảng Ninh sau thảm họa thiên tai Yagi. Hiện, ươm giống cây cũng đang vào vụ, Sở NN & PTNN tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thêm các cơ sở sản xuất giống, cố gắng đảm bảo đủ khả năng cung cấp giống cây mới cho bà con trồng, phủ xanh rừng trong 2 năm tới.
Theo Vũ Miền (Vov.vn)