Làng Ninh Hiệp ở Hà Nội: Xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) nổi tiếng với chợ vải Ninh Hiệp được mệnh danh là "con đường tơ lụa" của Việt Nam. Người dân tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm giàu lên nhờ nghề buôn vải.
Mặc dù là một làng ngoại thành Hà Nội nhưng mỗi mét đất ở chợ vải Ninh Hiệp (làng Nành, Gia Lâm, Hà Nội) đều khiến du khách có cảm giác đang đi giữa trời Châu Âu.
Từ làng quê nghèo ở ngoại thành, giờ đây làng Ninh Hiệp phát triển nhanh chóng, số hộ là đại gia đếm không xuể.
Nhiều người dân trong xã không tiếc tiền khi xây dựng rất nhiều dinh thự, lâu đài nguy nga.
Nhiều tin đồn đất tại Ninh Hiệp đắt ngang với vàng. Sở dĩ có điều này bởi đất ở đây không chỉ để ở mà còn để buôn bán và cũng không ai cần tiền để bán. Nếu có bán thì giá có thể đắt hơn cả đất phố cổ Hà Nội.
Làng Miêng Thượng ở Hà Nội: Về làng Miêng Thượng (xã Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội) chắc chắn ai cũng sẽ choáng ngợp trước cơ ngơi đồ sộ của các hộ dân sống ở nơi đây.
15 năm trước, xung quanh làng Miêng Thượng bốn bề là đồng ruộng và những căn nhà cấp bốn lụp xụp, xiêu vẹo. Nhưng đến bây giờ, vùng đất nghèo đói ấy đã đổi đời nhờ việc buôn thịt lợn.
Người có công đầu trong việc đưa bà con đến với nghề buôn thịt lợn, chính là ông Nguyễn Văn Sinh (SN 1944). Thời điểm những năm 1997, 1998, trung bình một ngày người con trai cả bán hết 6 con lợn, thu lãi 3-4 triệu/ngày là chuyện bình thường.
Thấy tấm gương làm giàu, người dân trong làng đua nhau học theo đi bán thịt lợn. Nhà nhà vận động con cháu ra Hà Nội đi chợ. Giờ đây, người người nhà nhà đều giàu có, tiền bạc dư dả, thậm chí trở thành tỷ phú.
Có tiền, người dân làng Miêng Thượng đua nhau xây biệt thự, nhà cao tầng. Những ngôi biệt thự ở đây đều bề thế và hoành tráng
Làng Mẹo ở Thái Bình: Giữa một vùng quê thuần nông, làng Mẹo (còn gọi là làng Phương La 2, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) nổi bật với những biệt thự nguy nga, lộng lẫy theo phong cách Châu Âu, bề thế như cung điện
Giữa làng xây một ngân hàng lớn cho người dân giao dịch. Người dân ở đây ai cũng có thú chơi cây cảnh, xây mồ mả, chăm chút cho các đền thờ…
Ông Trần Văn Toán - trưởng thôn Phương La 2 cho hay, ở đây có hơn 100 tỷ phú. Có doanh nghiệp ít vài tỷ, có doanh nghiệp cả nghìn tỷ đồng, doanh thu khoảng 700 tỷ đồng/năm.
Người làng Mẹo vốn có nghề truyền thống là nghề dệt. Những năm 80, nghề dệt làng Mẹo đứng trước nguy cơ xóa sổ do khó khăn về nguyên liệu, tiêu thụ, nhiều người bỏ nghề. Tới năm 1986, nghề dệt hồi sinh
Nhờ nghề dệt mà người dân làng Mẹo trở nên giàu có, lại nhạy bén trong kinh doanh, họ đổ tiền kinh doanh tiếp như bia rượu, xây dựng, thủy điện, vận tải… nên họ lại càng giàu thêm.
Làng Phú An ở Nam Định: Nằm dọc theo con sông Ninh Cơ, dài khoảng hơn 2km, ngôi làng nhỏ tên Phú An, thuộc xã Cát Thành, huyện Trực Ninh (Nam Định) nức tiếng khắp đất nước về độ giàu có, hiếm nơi đâu sánh bằng.
Theo ước tính, trong khoảng 800 hộ dân tại ngôi làng này thì có tới hơn 400 ngôi nhà trị giá từ 2 tỷ đồng trở lên.
Làng Phú An cũng chính là địa điểm được biết tới với lâu đài nổi tiếng từng gây xôn xao dư luận 1 thời tại đám cưới của cô dâu Thu Hương. Tòa lâu đài 7 tầng màu trắng lộng lẫy như cung điện cùng dàn siêu xe bạc tỷ trong đám cưới khiến dân tình xôn xao
Trước đây, người dân cũng chỉ có nghề chính là sản xuất nông nghiệp. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, làng Phú An có cơ hội để phát triển, đặc biệt là ngành vận tải biển. Lúc này, người dân đầu tư, chuyển sang thuyền vỏ sắt, tải trọng được nâng lên tầm 40 – 50 tấn.
Tính tới thời điểm hiện tại, cả làng có tới hàng trăm chiếc, nhiều hộ còn phát triển cả đội tàu. Nghề vận tải biển đã mang lại việc làm thường xuyên cho khoảng 1.500 lao động, nhờ đó thu nhập của người dân Phú An tăng lên 1 cách đáng nể.
Theo H.A (Phụ Nữ & Pháp Luật)