Trước tháng 1 và 2/2015, trục Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) - Trần Phú (Hà Đông) vẫn còn hàng cây tạo dải phân cách ở cả hai chiều. Tuyến đường lúc này khá thoáng khi chưa có công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chạy qua.
Nhưng vào giờ cao điểm thì lại khác. Xe buýt lưu thông ở làn trong cùng nhưng nhiều loại phương tiện khác cũng được đi vào tạo nên tuyến đường lộn xộn, thiếu quy củ.
Khi chưa phá dải phân cách hàng cây, tuyến đường chính khá nhỏ, cảnh ùn tắc giao thông xảy ra triền miên. Sau đó, 148 cây xà cừ cổ thụ và một số loại cây khác không thuộc chủng loại cây đô thị dọc tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (quận Hà Đông) được chặt hạ nhằm đảm bảo an toàn cho việc thi công và vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Sáng 6/8 vừa qua, ngày đầu Sở GTVT Hà Nội tổ chức phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Khuất Duy Tiến – Ngã Tư Sở) để tách ô tô, xe máy đi làn riêng. Lực lượng Thanh tra giao thông được bố trí tại mỗi đầu dải phân cách cứng làm nhiệm vụ hướng dẫn các phương tiện đi đúng làn đường, tuy nhiên nhiều xe không chấp hành. Ảnh: Phạm Hải.
Một số người điều khiển phương tiện chưa biết phương án phân luồng, khi đến gần dải phân cách bất ngờ chuyển hướng đã bị ngã. Ảnh: Phạm Hải.
Cách đây 11 năm Hà Nội từng thử nghiệm phân làn trên 5 tuyến phố (Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu) nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, số vụ tai nạn trên các tuyến phố này không giảm thậm chí còn tăng lên. Nguyên nhân, biển báo và dải phân cách đặt lửng lơ giữa đường khiến nhiều người bất ngờ và húc phải. Hình ảnh tại phố Hàng Bài, đoạn gần ngã tư Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) cuối tháng 9/2011.
Tại mỗi một đầu dải phân cách đều có nhân viên Thanh tra giao thông cầm còi và dùi cui thay nhau túc trực chỉ dẫn cho các phương tiện.
Điều này không an toàn cho chính người đứng phân luồng chỉ dẫn khi hai bên các phương tiện phóng ầm ầm, thậm chí nhiều thanh niên đi xe máy lạng lách tốc độ cao qua đây.
Trên các tuyến phố phân làn, nhất là đoạn đường Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Kim Liên - Xã Đàn, Giải Phóng, ôtô vẫn đi vào làn xe máy và thậm chí xe máy đi vào làn ôtô còn phổ biến hơn.
Nói với báo chí thời đó, Ts. Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện KHCN GTVT cho rằng: “Qua các đợt phân làn từ năm 2005 trở lại, hiệu quả đạt được chưa cao. Về tổng thể, vẫn có sự đan xen, xe máy vẫn đi lẫn vào dòng ôtô. Do hiệu quả phân làn trên các tuyến phố không cao đã gây nhiều phản ứng. Người dân không hài lòng vì thấy không hợp lý, trong khi những người có ý thức vẫn phải chấp hành còn người vi phạm cũng cảm thấy “không có lỗi”.
Phân làn nhưng không đặt toàn bộ dải phân cách cứng mà chỉ để từng đoạn ngắn. Điều này khiến người lái ôtô chuyển làn tùm lum, gây sự lộn xộn hơn cả khi chưa phân làn.
Tháng 4/2009, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dùng dải phân cách cứng bịt các giao cắt tại ngã 3, ngã 4, sau đó mở ngã rẽ mới, cách nút giao cắt cũ chừng 100-200m. Phương án này tỏ ra hiệu quả vào thời gian đầu khi học sinh nghỉ hè. Tuy nhiên, đến tháng 9 khi học sinh nhập trường, nhiều điểm ùn tắc mới phát sinh, giao thông hỗn loạn.
Ba chiếc xe buýt "đua nhau" quay đầu tại ngã tư bị bịt Xã Đàn - Tôn Đức Thắng. Nhiều người đi xe máy gặp tình huống này hốt hoảng vì không biết nên tránh thế nào trước một loạt "hung thần" đường phố.
Phía sau và hướng đối diện của làn đường mà những chiếc xe buýt đang quay đầu bị rối loạn nghiêm trọng. Và nút giao Ô Chợ Dừa (Xã Đàn - Tôn Đức Thắng - Khâm Thiên - Nguyễn Lương Bằng) chưa khi nào thoát khỏi danh sách những điểm đen ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Tương tự là điểm quay đầu trên phố Đại Cồ Việt gần ngã tư Phố Huế - Bạch Mai.
Hệ thống dải phân cách được chế thành điểm quay xe kỳ dị. Người đi xe máy bị ngã là chuyện thường xuyên xảy ra ở đây thời điểm đó.
Tại đoạn nút giao Đào Duy Anh - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch lúc đó, có ai đó nhấc cả tấm bê tông ra tạo khe hở để lấy lối lưu thông qua. Nhiều người đi xe máy tới đây thấy vậy cũng đua nhau đi tắt để không phải đi vòng.
Thậm chí nhiều người "nhấc" cả xe máy qua dải phân cách thấp để không phải quay đầu ở phía trên, tạo nên cảnh lộn xộn, bát nháo.
Tháng 2/2012, Hà Nội thay đổi giờ học của 12 quận huyện thuộc địa bàn. Hình ảnh học sinh ra đường từ tờ mờ sáng thời điểm đó để tránh trùng với giờ đi làm của cán bộ nhân viên các ngành nghề khác.
Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó bị "phá sản" do thực tế phát sinh nhiều điều không hợp lý, người dân phản ứng khá mạnh.
Theo Hoàng Hà (VietNamNet)