Những hình ảnh đầu tiên khi nước Mỹ bước vào 'hai tuần lễ đau đớn': 96% dân số ở nhà, hơn 236.000 người nhiễm Covid-19 và 5.700 người tử vong
03/04/2020 08:39:20
Khung cảnh ảm đạm bao trùm cả nước Mỹ khi đây chính là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Vào ngày 31/3, Tổng thống Trump cũng dự báo hai tuần sắp tới sẽ "vô cùng đau đớn" cho người dân xứ cờ hoa.
Nước Mỹ - ổ dịch lớn nhất toàn cầu - hiện có 236.221 người nhiễm Covid-19, theo thống kê của Worldometers đến 0h ngày 4/3 (giờ Việt Nam). Trong đó, ít nhất 5.780 bệnh nhân đã thiệt mạng, đứng thứ ba thế giới chỉ sau Italy và Tây Ban Nha.
Cách đây 5 tuần, khi Mỹ chỉ có hơn 60 trường hợp nhiễm Covid-19, Tổng thống Trump đã tuyên bố: "Nó chỉ giống như cúm mùa". Nhưng tới ngày 31/3, trong một buổi họp báo với không khí ảm đạm hơn hẳn, khi số nạn nhân tử vong của Covid-19 đã vượt qua sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, ông Trump thừa nhận: "Nó không phải cảm cúm, nó thật tàn ác".
Theo tờ New York Times, Nhà Trắng đã nhận được dự báo từ các nhà khoa học hàng đầu rằng khoảng 100.000 đến 240.000 người Mỹ có thể mất mạng trong đại dịch này. Con số này vẫn có thể xảy ra ngay cả khi cả nước đã tuân thủ việc hạn chế tiếp xúc xã hội, bất chấp lệnh cách ly sẽ bóp nghẹt nền kinh tế và đẩy hàng triệu người xuống mức nghèo đói. Còn nếu không thực hiện, hậu quả sẽ còn thảm khốc hơn.
"Tôi muốn mỗi người Mỹ hãy chuẩn bị cho những ngày khó khăn ở phía trước" - Tổng thống Trump phát biểu. "Chúng ta sắp bước vào hai tuần gian khổ".
"Chúng ta sẽ sớm nhìn thấy một chút ánh sáng ở phía cuối đường hầm. Tuy nhiên trước hết phải trải qua hai tuần lễ đau đớn - vô cùng, vô cùng đau đớn".
Chính quyền Trump đã hành động mau lẹ hơn trong các tuần gần đây. Họ cho tăng cường xét nghiệm, làm việc với các thống đốc bang để cải thiện tình trạng thiếu hụt máy thở, khẩu trang và nhiều thiết bị y tế khác. Ông Trump còn điều động các tàu bệnh viện của Hải quân đến vùng dịch để giảm tải cho cơ sở điều trị; yêu cầu hãng General Motors sản xuất thêm nhiều máy thở và kéo dài lệnh cách ly xã hội đến hết tháng 4. Theo New York Times, các tiểu bang đã vừa đón nhận sự giúp đỡ của chính phủ, vừa phàn nàn rằng các biện pháp vẫn chưa đủ mạnh.
Theo CNN ghi nhận, hiện tại đã có gần 96% dân số Mỹ, tương đương hơn 315 triệu người được đặt dưới lệnh "trú ẩn tại nhà". Chỉ còn lại 11 bang chưa ban hành lệnh kiểm soát trên diện rộng. Trong những ngày này, nước Mỹ đang chìm trong sự vắng lặng và ngột ngạt chưa từng thấy. Ngược lại, các bệnh viện lại bước vào giai đoạn tác chiến sinh tử, mà có lẽ tàn khốc nhất chính là ở tâm dịch New York, nơi đã có ít nhất 2.373 người tử vong và số lượng máy thở chỉ có đủ trong 6 tuần nữa - theo thông tin từ Thống đốc Andrew Cuomo.