Bom 3 càng, súng tiểu liên, lựu đạn hay nòng súng đại bác ở pháo đài Láng phần nào tái hiện sự khốc liệt của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến mùa đông năm 1946.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề “Bản hùng ca mùa đông năm 1946”. Triển lãm trưng bày các hiện vật, hình ảnh về những ngày đầu gian khó nhưng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh đó, các hiện vật về 70 năm toàn quốc kháng chiến cũng được trưng bày thường xuyên tại phòng trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt nam. |
|
Đến triển lãm, khách tham quan có thể nhìn thấy bom 3 càng mà trung đoàn thủ đô dùng để chiến đấu. Đây là loại bom thô sơ nhưng khi kết hợp với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” đã trở thành khắc tinh của xe tăng, xe bọc thép của quân đội Pháp. |
|
Nòng đại bác của pháo đài Láng, nơi bắn những phát súng đầu tiên vào 20h03 ngày 19/12/1946. Đây được coi là hiệu lệnh kháng chiến toàn quốc bùng nổ. |
|
Đáng chú ý là chiếc địa bàn bằng gỗ được các chiến sĩ pháo đài Láng sử dụng để xác định hướng bắn pháo. Đây vốn là chiếc địa bàn gỗ của thầy địa lý dùng để dạy học trong làng. Và chỉ với những khí tài thô sơ như thế, các chiến sĩ đã bắn hạ máy bay địch trên bầu trời thủ đô vào ngày 21/12/1946. Đây là lần đầu tiên máy bay Pháp bị bộ đội ta bắn trên bầu trời Hà Nội. |
|
Hình ảnh của các nhạc sĩ tài hoa Huy Du và Trần Hoàn được gợi nhớ qua 2 chiếc phù hiệu đoàn thủ đô mà hai ông đã từng sử dụng. Lúc đó, hai nhạc sĩ là chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn thủ đô chiến đấu và rút quân khỏi Hà Nội tháng 2/1947. |
|
Với khẩu hiệu “Mỗi nhà là một pháo đài”, tất cả vật dụng trong nhà đều được đem ra làm công sự. Nó đã trở thành những ổ kháng cự, giúp kìm chân quân Pháp 2 tháng ở thủ đô Hà Nội. |
|
Dao, kiếm, mã tấu là những vũ khí thô sơ mà nhân dân các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. |
|
Trong khi đó, vệ quốc quân và dân quân tự vệ sử dụng các khẩu súng của xưởng Quân giới Phan Đình Phùng hoặc súng thu được của lính khố xanh năm 1945. |
|
Khi đó, những khẩu súng trung liên như thế này là tài sản vô giá, giúp vệ quốc quân giành giật từng tấc đất thủ đô với thực dân Pháp. |
|
Trong những ngày tháng cam go ấy, bài thơ chúc năm mới của Bác Hồ với những câu thơ đầy lạc quan như tiếp thêm tinh thần cho các chiến sĩ. Kết quả, chúng ta đã tiêu diệt 2.600 tên địch, phá huỷ trên 100 xe quân sự, bắn rơi và phá huỷ 5 máy bay, thu nhiều quân trang quân dụng và kìm giữ, giam chân địch tại Hà Nội trong 2 tháng. Đêm 17/2/1947, Trung đoàn thủ đô rút quân an toàn khỏi Hà Nội. |