Theo thiết kế, cầu vượt kết cấu thép lắp ghép dạng chữ C theo hướng từ Chùa Bộc đến Phạm Ngọc Thạch được tổ chức giao thông hai chiều cho hai làn xe hỗn hợp dành cho ô tô và xe máy. Hướng dọc đường Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch, đường Chùa Bộc - Đông Tác và các nhánh rẽ còn lại sẽ được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu dưới cầu.
Cầu có móng mố bằng BTCT C30 đổ tại chỗ, móng mố M1 gồm 3 cọc khoan nhồi đường kính D=1,2m, móng mố M9 gồm 1 cọc khoan nhồi đường kính D=2,0m. Chiều dài cọc L=43-49m.
Trụ cầu dạng trụ thân cột tròn đường kính D=1,5m và D=1,8m BTCT đổ tại chỗ; móng trụ cầu từ T1 đến T3 bố trí 3 cọc khoan nhồi đường kính D=1,2m. Kết cấu móng trụ từ trụ T4 đến mố M9 bố trí 1 cọc khoan nhồi D=2,0m.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, trong phạm vi đường Chùa Bộc, đơn vị sẽ xén khoảng 400m vỉa hè để mở rộng nút giao, xây dựng kết cấu đường mới cho phần mở rộng.
Vỉa hè phía Học viện Ngân hàng sẽ xén dài 360m, rộng 2-6m, kết hợp với mở rộng nút giao Chùa Bộc - Tây Sơn; vỉa hè phía đối diện xén dài hơn 100m, rộng 2,5m.
Công nhân công ty cầu 12 trực thuộc Tổng công ty Cienco1 đang thi công rào chắn vỉa hè tuyến phố Chùa Bộc.
Dự kiến đến cuối tuần này rào chắn vỉa hè sẽ hoàn tất.
Theo ghi nhận của phóng viên báo tiền Phong tại khu vực nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Tôn Thất Tùng, hàng chục công nhân đang khẩn trương thi công các hạng mục công việc.
Đơn vị thi công đã bố trí biển cảnh báo và đèn tín hiệu để đảm bảo việc lưu thông của các phương tiện được an toàn.
Dự kiến đến tháng 6/2022 sẽ hoàn thành công trình cầu vượt chữ C và đưa vào sử dụng.
Theo Nguyễn Trọng Tài (Tiền Phong)