Trưa 27/3, chỉ số lượng tia cực tím (UV) tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ là 12 (mức cao nhất). Cùng lúc, nhiệt độ ngoài trời chạm mức 39 độ C khiến người dân ra đường phải trùm kín. Tình trạng nắng nóng đã diễn ra từ vài ngày trước và đến hôm nay là đạt cao điểm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số tia UV cao nhất là 11+, với thời gian gây bỏng là 10 phút. Trong khi đó, với mức 12 cực độ như hiện nay, ánh nắng sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ của con người, đặc biệt trẻ em. Theo đó, bức xạ từ tia UV và các loại bức xạ khác (có trong ánh nắng mặt trời) rất nguy hiểm, có thể gây ra một số bệnh về da khi tiếp xúc trực tiếp trong thời gian lâu như sạm da, lão hoá da, bỏng nắng hoặc thậm chí là ung thư da. Chính vì thế, những người phải làm việc ngoài trời, như công nhân vệ sinh, phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Để có thể làm việc dưới cái nắng gay gắt giữa trưa, họ phải đội mũ rộng vành, bịt khẩu trang kèm theo đồ bảo hộ lao động. "Tôi làm việc từ 7h sáng, đến trưa phải vào đây nghỉ vì nắng nóng quá, chịu không nổi, đi chút xíu là phải nghỉ", một công nhân chia sẻ khi đang ngồi nghỉ tránh nắng, uống nước trong một trụ ATM cũ. Kể từ khi mất đi hàng cây cổ thụ mát rượi, đường Tôn Đức Thắng (quận 1) như biến thành một "sa mạc" khi nắng gắt. Người đi đường phải bước thật nhanh vì không chịu nổi cái nóng hầm hập phả từ dưới mặt đường lên. Trước tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường trong khoảng thời gian 1-15h (thời điểm bức xạ UV ở mức cao nhất). Nếu có việc cần phải ra ngoài, mọi người nên đội nóng rộng vành, mang kính râm, mặc quần áo dài tay và sử dụng kem chống nắng. Hình ảnh những người mặc áo chống nắng trùm kín từ đầu tới chân trở nên phổ biến trên đường phố Sài Gòn. Đây đang là giai đoạn cuối mùa khô, tiết trời khá khó chịu. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong thời tiết này là công nhân xây dựng, phải làm việc nặng ngoài trời dưới cái nắng chói chang. Nếu tiếp xúc với ánh nắng quá lâu, người dân rất dễ gặp tình trạng say nắng (sốc nhiệt). Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết say nắng có thể gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Để đối phó với nắng nóng, các công nhân xây dựng thường xuyên phải uống nước để giải nhiệt, Tuy nhiên, theo lời khuyên của các bác sĩ, để giải nhiệt cơ thể, nên uống nước ấm, tốt nhất là từ 10-30 độ C, và uống càng chậm càng tốt. Theo cơ quan khi tượng, từ nay tới hết tuần, thời tiết nắng gắt vẫn tiếp diễn ở TP.HCM và khu vực lân cận. Theo Liêu Lãm (Tri Thức Trực Tuyến)