Mùng 6 Tết, hàng chục nghìn phương tiện từ các tỉnh miền Tây lên TP.HCM bị kẹt cứng, nhích từng chút ở cầu Bến Lức, Long An, từ sáng tới khuya.
Tối 20/2, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, người dân các tỉnh miền Tây tiếp tục ùn ùn trở lại TP.HCM để làm việc khiến quốc lộ 1A bị ùn tắc nhiều đoạn. Tại địa bàn huyện Bến Lức, Long An, các phương tiện xe máy, ôtô di chuyển rất chậm, nhíc từng chút một, kéo dài gần 4 km qua cầu Bến Lức. Hầu hết người dân dùng xe máy để di chuyển về TP.HCM, đồ đạc chất đầy xe. Cũng trong đêm mùng 6 Tết, bến phà Đình Khao (Vĩnh Long), Vàm Cống (TP Long Xuyên), cầu Mỹ Thuận hướng từ Vĩnh Long đi Tiền Giang... dẫn về TP.HCM bị ùn ứ nghiêm trọng. Cầu Bến Lức trở thành nút thắt cổ chai khiến kẹt xe kéo dài nhiều km. Theo người dân nơi đây, từ sáng đến khuya mùng 6 Tết, khu vực này luôn trong tình trạng kẹt cứng. Cách cây cầu này khoảng 4 km hướng đi TP.HCM, hàng chục nghìn phương tiện chen chúc nhau di chuyển rất khó khăn. Từ vỉa hè, đường nhiều người di chuyển giữa mặt đường đầy ổ gà, bụi đất. Giữa làn đường luôn chật kín xe máy chen chúc nhau đến ngột ngạt. Khói xe, bụi đường bay phủ kín nhiều đoạn khi xe máy chạy vào đường đất. Các cây xăng bên đường đoạn qua địa phận Long An luôn chật kín người chờ đổ xăng. Trong đó cây xăng Hiệp Phú Phát trên địa bàn huyện Bến Lức luôn trong tình trạng đông đúc. "Từ cầu Mỹ Thuận tới đây kẹt nhiều đoạn, xe cộ đông đúc, di chuyển rất chậm nên ngốn rất nhiều xăng. Nhưng vào cây xăng này tôi phải chờ gần 20 phút mà vẫn chưa đến lượt đổ", anh Nguyễn Hoàng Long, Bến Tre cho hay. Những khu vực trống, thoáng trở thành nơi dừng chân nghỉ ngơi, chờ hết kẹt xe cho rất nhiều người sau nhiều giờ di chuyển xe máy. Cột điện bên đường, bãi cỏ, vỉa hè... cũng thành nơi nghỉ ngơi tạm cho nhiều người. Một số người dừng xe nay trước bãi cỏ của các công ty nằm vật vạ, ngủ tạm. Chị Nguyễn Thị Xuân Nương (Bến Tre) cho biết đây là lần đầu tiên trong đời chứng kiến kẹt xe, đông đúc kéo dài khủng khiếp như vậy. "Bình thường từ Bến Tre lên quận 7, TP.HCM, chạy xe máy chỉ mất gần 3 giờ nhưng hôm nay đi từ 13h chiều mà đến 21h vẫn chưa đến nơi. Bị kẹt cứng nhiều nơi, hai vợ chồng và con gái quá mệt, không di chuyển nỗi nên phải nằm nghỉ, chờ vơi bớt xe mới tiếp tục đi", chị này than. Anh Dương Ngọc Hiền (Châu Thành, Tiền Giang) cho hay hai vợ chồng và con trai nằm nghỉ hơn 1 tiếng đồng hồ bên chân cầu Bến Lức nhưng ngoài đường vật chật kín xe cộ kẹt cứng. Còn gia đình chị Lê Thị Yên (Sóc Trăng) trở lại Bình Dương để làm việc và học hành từ 5h sáng nay nhưng đến hơn 21h vẫn bị chôn chân ở khu vực Bến Lức. "Từ sáng sớm chúng tôi đã bị kẹt nhiều nơi, nhất là qua cầu Mỹ Thuận. Phải ghé nghỉ ngơi, ăn uống vì quá mệt, con ngủ gật thường xuyên, di chuyển rất khó khăn đến giờ vẫn chưa thoát được khi cách TP.HCM hơn 30 km", chị Yên cười ngán ngẫm. "Những tưởng hôm nay sẽ vơi xe hơn nên tôi cùng con gái và cháu chạy xe máy từ Kiên Giang lên TP.HCM từ 7h sáng nhưng đến cầu Mỹ Thuận là kẹt tới gần đến thành phố luôn. Đã 5 lần đến giờ cháu đói là phải dừng lại bên đường để cho uống sữa", bà Nguyễn Ngọc Hư cho hay. Cách trung tâm TP.HCM hơn 30 km nhưng xe của vợ chồng chị Trịnh Kim Phương bị chết máy, chồng phải nổ máy, vợ đẩy nhưng không được đành phải tấp vào bên đường nghỉ ngơi. "Ngày thường chúng tôi đi Đồng Nai mất khoảng gần 4 giờ, hôm nay rời nhà từ Bến Tre lúc 5h sáng nhưng mất cả ngày đêm mà vẫn chưa đến địa phận TP.HCM", chị Phượng ngao ngán. Rất nhiều người vừa bị chôn chân, vừa dừng lại ngao ngán nhìn dòng xe nhích từng chút vừa chụp hình, quay phim đưa lên mạng xã hội. Những người di chuyển bằng xe khách cũng bị kẹt cứng, mệt mỏi trên đường trở lại TP.HCM. Các quán ăn, quán nước bên đường luôn đông đúc khách ghé nghỉ ngơi, uống nước, ăn tối. Theo Lê Quân (Tri Thức Trực Tuyến)