Hơn 20 năm nay, trên xe ba gác chất đầy phụ kiện đồ nghề sửa ghế hơi, ông Tuấn đến từng nhà để "mông má" ghế cho khách.
|
Ông quê gốc ở Hải Phòng, mọi người thường gọi với biệt danh "Tuấn trọc". Năm năm 1985 ông đi nghĩa vụ quân sự ở TP HCM. Sau khi ra quân, ông được đơn vị cho sang Đài Loan học nghề sửa ghế xoay văn phòng và làm ở đó đến năm 1997 thì về nước. |
|
"Về lại Sài Gòn, tôi bắt đầu đi sửa ghế dạo trên xe máy cũ. Gần 4 năm đầu khoảng thời gian khó khăn vì khi ấy, ở trong nước loại ghế xoay văn phòng này chưa phổ biến, nghề này cũng ít người biết nên ít khách", ông Tuấn nhớ lại. |
|
Sau này, khi công việc đã "thuận buồm xuôi gió", ông Tuấn sắm xe ba gác máy chạy. Ba năm trước, người thợ quê Hải Phòng mua xe loại lớn để chứa được nhiều đồ nghề hơn. Ông tự tin khẳng định, cả Sài Gòn chỉ có riêng mình làm nghề sửa ghế di động. |
|
Một ngày làm việc của ông thường từ 12h. "Mỗi một ngày tôi phải tính xem hôm nay sẽ đi những đường nào cho tiện. Tôi phải hỏi kỹ lại xem ghế của khách hư bộ phần nào để chuẩn bị đồ nghề cho chuẩn. Vậy nên, việc chuẩn bị có khi mất cả buổi sáng", người thợ giải thích. |
|
Mỗi ngày, ông chạy xe khắp thành phố từ trưa đến tối, vào từng nhà sửa ghế cho khách. "Sở dĩ tôi không mở tiệm mà sửa di động là vì đa phần khách tỏ ra ngại khi phải vác ghế hư đến chỗ sửa. Hơn nữa mình đi thế này lại dễ có mối hơn, nhất là các công ty, văn phòng hay quán nét", ông Tuấn chia sẻ. |
|
Ghế văn phòng mà ông Tuấn chuyên sửa chữa là loại hơi xoay, bọc nệm. Giá sửa chữa từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy mức độ hư hỏng, phụ kiện thay thế. "Có khi trúng mánh, tôi kiếm được cả triệu đồng", ông nói. |
|
Mỗi chiếc ông phải làm từ những chi tiết nhỏ như vặn lại vài con ốc, thay quai, gắn bệ, lắp chân đế cho đến những việc tốn công sức và thời gian như bọc nệm, thay da.... Trung bình, ông mất từ vài phút đến cả tiếng để sửa một chiếc ghế hơi. |
|
"Công việc này thoạt nhìn thì đơn giản nhưng thực ra khá mất sức, đòi hỏi khéo tay và có nhiều công đoạn khó lắm. Như bọc nệm, phải tỉ mỉ, chỉ cần khâu sai đường kim là mất thẩm mỹ ngay. Rồi mấy cái trục xoay của ghế ngồi nhiều nên rất cứng, phải dùng sức mới tháo ra được", ông giải thích. |
|
Với những ghế hư hỏng nhẹ hoặc chỉ thay phụ kiện đơn giản thì ông sửa ngay tại nhà khác. Tuy nhiên, nhiều ghế có kết cấu phức tạp, hư nặng hoặc khách yêu cầu tân trang thì phải mang về sửa. "Do nhà chật chội nên tôi mang ghế ra vỉa hè, công viên sửa", người đàn ông 50 tuổi cho biết. |
|
Niềm vui "nho nhỏ" của người thợ này là tình cờ nhặt thấy chiếc ghế hư được bỏ trong thùng rác, bên vệ đường. "Nhìn hư hỏng vậy thôi chứ với tôi chúng giá trị lắm. Mình có thể rã linh kiện ra hoặc "mông má" lại để bán rẻ cho người có nhu cầu mua", ông Tuấn vui vẻ nói. |
|
Ông hiện thuê nhà trọ ở cùng với vợ và 3 người con trên đường Lê Đức Thọ. Những lúc rảnh rỗi ông chỉ ở nhà xem tivi. Chia sẻ về công việc, ông nói: "Phải yêu công việc mới sống được với nghề này. Trước giờ có nhiều người xin tôi dạy nhưng họ cũng không gắn bó được vì thiếu nhiệt huyết. Mỗi khi thấy khách vui ưng ý sản phẩm là mình vui rồi". |
Theo Quỳnh Trần (VnExpress.net)