Thức quà gợi nhớ ký ức tuổi thơ
Cuối xuân, nhót chín được nhiều tiểu thương bày bán trên khắp các con phố ở Hà Nội cùng với mận cơm. |
|
Những góc phố như "sáng lên" nhờ màu đỏ tươi rói của nhót chín. |
Nhắc đến nhót, trong kí ức nhiều người hẳn sẽ hiện ra hình ảnh những cô cậu học trò ngày bé, cầm quả nhót trên tay rồi thi nhau mài lớp phấn trắng vào quần áo. Có lúc chưa kịp rửa đã cầm quả nhót, chấm muối ớt, xì xụp đưa lên miệng, ăn ngon lành.
Quả nhót ngày ấy gắn liền với “vị” đặc trưng của quê hương Bắc Bộ, chua và chát đến tê lưỡi, sún răng. Vị chua của nó ám ảnh đến nỗi khiến nhiều người, chỉ cần nhớ lại cũng đủ ứa nước miếng.
Vẫn là quả nhót chín đỏ au ấy bày bán trên đường phố Hà Nội nhưng hương vị của nó giờ đã khác xưa rất nhiều. Thay vì vị chua, chát đặc trưng, chúng có vị ngọt mềm và hơi thoảng một chút chua nhẹ, thanh mát.
Chị Vũ Thị Hương (một tiểu thương bán nhót trên phố Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội) giải thích, quả nhót có hai loại, loại có vị chua và chát còn được gọi là nhót ta. “Giống nhót ấy giờ ít nơi trồng vì không được giá” – Chị Hương nói. “Trong khi đó, loại nhót ngọt xuất hiện mấy năm nay gần đây được thực khách Hà Nội ưa thích và bán chạy hơn”.
Theo chị Hương, nhót ngọt khi chín thường đỏ mọng, dày cùi, ăn mềm và ngọt hơn giống nhót ta. Nếu chọn quả chưa chín hẳn có màu vàng thì cũng chỉ hơi chua nhẹ.
Đắt khách, tiểu thương được dịp làm giá
Không phải là giống nhót “chính hiệu” của ký ức nhưng bằng vị chua dịu và màu sắc vui mắt, nhót ngọt cũng đủ trở thành thứ quà quê làm say lòng không ít thực khách.
Giá cao nhưng nhót chín vẫn có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với nhiều thực khách. |
Thu nhập tuy cao nhưng nghề bán nhót cũng khá vất vả. Chẳng thế mà ngay giữa tiết trời se lạnh, khắp người chị Hương vẫn ướt đẫm mồ hôi vì phải luôn tay phục vụ khách và miệng không ngừng giới thiệu về những quả nhót mình cầm trên tay.
|
Những quả nhót ngọt thường to hơn nhót ta, khi chín có màu đỏ thẫm, cùi dày, vị ngọt hơi chua dịu. |
“Nhót này có nhiều cái hay lắm, khi xanh thì rất chua nhưng chín lại đỏ mọng, ăn mềm và rất ngọt. Khách có thể thưởng thức theo nhiều cách, mỗi cách lại cho ra một mùi vị khác nhau nhưng lạ là dù có ăn theo kiểu nào, dầm muối ớt, vần nẫu hay không thì càng ăn nhiều, càng thấy vị ngọt đọng lại” – chị Hương khẳng định.
|
Những gánh hàng rong bán nhót chín len lỏi trên khắp các con phố. |
Cùng chung nhận định với chị Hương, chị Nguyễn Thị Tám nói: “Nhót rất khó vận chuyển đi xa nên không thể về tận những vùng xa xôi đánh hàng lên bán được. Ví như mùa vải, chị em chúng tôi lên tận vựa trồng vải lớn nhất miền Bắc – Bắc Giang - buôn về, ăn chênh lệch nhiều chứ mấy quả nhót thì không ăn thua”.
Theo chị Tám, nhót bán ở Hà Nội hầu hết được trồng ở các vùng như Trôi – Nhổn - Hoài Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ. Cây nhót ngọt rất sai quả. Nếu trồng từ 7 đến 10 năm và chăm sóc đúng kỹ thuật, một cây nhót có thể cho ra khoảng 1,5 tạ quả/năm.
Mua nhót trên phố, khách nên chú ý mặc cả vì các tiểu thương thường "chém" giá gấp đôi. |
Riêng bà Trần Thị Doan (70 tuổi, Cầu Giấy – Hà Nội) vừa mua 0,3kg nhót về chỉ để… ngắm. Bà nói: “Già rồi, ăn mấy thứ này sao được nhưng nhìn vui mắt rồi lại mua về thắp hương và ngắm chơi”.
Nói rồi bà Doan lại ngồi xuống góc vỉa hè, ngẩn ngơ nhìn mấy hàng bán nhót rồi ngân nga câu thơ của nhà thơ Tế Hanh: “"Vườn nhỏ nhà em có của chua/ Một hôm anh đến hỏi bông đùa… "Mùa xuân đã đến rồi em đó/ Cây nhót nhà em có quả chưa?"
Ảnh: Doãn Tuấn
Theo Thu Hường (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)