Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nằm trong thung lũng của dãy Trường Sơn hùng vĩ với độ cao 1.500m so với mực nước biển, diện tích toàn xã hơn 142,30km2 là nơi cư ngụ của 4.800 người. Gần 100% dân số bản địa là dân tộc Mông.
Những thập kỷ trước, Mường Lống được xem là "thủ phủ thuốc phiện" nhưng loài cây này đã bị xóa bỏ, thay vào đó là đào, mận và nhiều cây dược liệu quý khác.
Thời tiết ở Mường Lống mát mẻ, du khách thập phương khi đến nơi đây thường ví như Sa Pa xứ Nghệ hay Đà Lạt xứ Nghệ.
Trong các loại cây, cây đào được người dân bản địa trồng nhiều nhất. Trong vườn, bên lề đường và cả trong khuôn viên trường học, đào được trồng khắp nơi. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, đến Mường Lống, du khách sẽ mãn nhãn với những nụ đào chúm chím đọng sương mai rồi bung nở rực rỡ dưới nắng vàng.
Thời tiết năm nay nắng ấm nên đào ở Mường Lống nở sớm. Những vườn đào đã nhuộm màu hồng, đối với người dân và thương lái thì Tết Nguyên đán sắp tới, kiếm được cành đào chơi Tết sẽ rất khó khăn.
Một cây đào cổ thụ khỏe khoắn vươn mình đón nắng.
Những cây đào cổ thụ được thương lái săn mua dù giá cả rất cao. Theo một thương lái cho biết, điều đó nhằm khẳng định đẳng cấp cùng may mắn lộc tràn.
Một cây đào bung nở gần hết, màu hồng rực rỡ trong vườn nhỏ.
Đào nở sớm khiến người dân mất một nguồn thu nhập dịp Tết nhưng điều này cũng hút khách du lịch đến với Mường Lống, đến với "cổng trời" mù sương thơ mộng.
Thấp thoáng bên những căn nhà của người Mông là loài cây thân thuộc với họ. Cây đào góp phần đưa địa danh Mường Lống "bay" ra khỏi núi rừng hoang vu của dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Vườn mận đâm chồi, ra lá non. Nắng cuối Đông hắt xuống tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp giữa bốn bề núi non điệp trùng.
Du khách, nhiếp ảnh gia đến vườn đào Mường Lống chụp hình, lưu lại những khoảnh khắc đào nở tiễn đông qua, đón xuân về.
Rời Mường Lống, khách sẽ mong muốn ngày trở lại. Đến thung lũng yên bình đang mạnh mẽ đổi thay, khỏe khoắn như những mầm chồi của cây đào, cây mận...
Theo Cảnh Huệ (Tiền Phong)