Đến với làng nghề Tranh Khúc (Thanh Trì, TP Hà Nội) vào thời điểm này mới thấy sự hối hả khi vụ bánh lớn nhất năm đã bắt đầu, cả ngôi làng gần như không ngủ, huy động những thành viên trong gia đình vừa gói bánh, vừa chuẩn bị nguyên liệu cho kịp chuyến hàng cuối năm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết mỗi ngày đưa ra thị trường tới 3.000 chiếc bánh chưng, có tới hàng chục nhân lực làm việc liên tục từ sáng tới tối. Chị Tuyết chia sẻ: "Từ 20 âm lịch những cơ quan, trường học đã bắt đầu đặt bánh, khi ấy nhu cầu cao cho đến gần Tết thì đơn hàng cũng nhiều lên, tới ra Giêng nhu cầu mua bánh chưng mới giảm dần. Trong những ngày thường món ăn làm từ đồ nếp như bánh giầy, xôi, bánh chưng vẫn được gia đình làm, nhưng chính vụ vẫn phải vào dịp Tết, cả gia đình có tới hàng chục người làm bánh".
Những người thợ gói bánh không cần khuôn, từ các nguyên liệu truyền thống chỉ cần mất khoảng 30 giây đã biến thành những chiếc bánh chưng hoàn thiện.
Làm nghề lâu năm, bàn tay người thợ khéo léo, cứ một lớp gạo, rồi một lớp nhân sau cùng lại một lớp gạo và rồi bánh được gói kín bằng những chiếc lá dong xanh mướt.
Tại mỗi vùng miền khác nhau bánh chưng cũng sẽ có những cách làm có đôi chút khác biệt, làng nghề Tranh Khúc đều phục vụ một cách đầy đủ, miễn là khách hàng có nhu cầu. Anh Nguyễn Ngọc Sơn từ nhỏ đã làm nghề gói bánh theo nghiệp của gia đình cho biết: "Ngoài những loại bánh chưng truyền thống, chúng tôi cũng nhận những đơn hàng đặc biệt như bánh chưng ngọt, bánh chưng có nhân là cá hồi, thịt bò, thịt gà. Đặc biệt còn có những đơn hàng làm chiếc bánh có kích thước lớn, to bằng 4 viên gạch lát nền, nặng hàng chục kilogam".
Ở làng nghề việc làm bánh có công thức chung, đều gói bánh bằng lá dong, dùng nguyên liệu là gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn để gói thành chiếc bánh chưng. Nhưng để tạo ra được chiếc bánh ngon, đạt đúng chuẩn hương vị của một thứ bánh đại diện cho ngày Tết cổ truyền của người Việt, thì cầu kỳ nhất vẫn là ở khâu chọn nguyên liệu. "Đầu tiên cần chọn gạo, phải là gạo nếp cái hoa vàng, loại gạo này đặc biệt ở một chỗ ăn bánh để 4- 5 ngày vẫn dẻo thơm, thịt lợn phải chọn thịt dọi, có đủ cả mỡ cả nạc làm cho bánh vừa thơm lại ngậy. Còn đậu xanh là phải là loại đậu quê, hạt mẩy khi đồ lên mới là ngon nhất", anh Sơn bật mí.
Những chiếc bánh chưng sau khi gói xong sẽ được mang đi luộc, phải mất từ 9 đến 12 giờ luộc liên tục thì bánh mới rền.
Chắc có lẽ với những đơn hàng lên tới 3.000 chiếc một ngày nên cách luộc bánh cũng không hề giống cách thông thường. Tại những cơ sở luộc bánh chưng, có tới vài chiếc nồi có hình vuông, mỗi chiếc luộc được 1 lúc 400-600 chiếc bánh. Không dùng củi, cũng chẳng dùng than mà dùng hoàn toàn bằng điện.
Nói về vệ sinh việc sử dụng điện để luộc bánh chưng sạch hơn nhiều so với luộc bằng than hay củi như truyền thống. Cùng với đó những chiếc nồi điện luộc sẽ làm bánh rền hơn và mỗi khi luộc chỉ cần bật điện và nồi sẽ luộc hàng chục giờ theo lượng nhiệt đã định sẵn, còn dùng than thì sau 7 tiếng là phải thay than một lần.
Bánh sau khi luộc được mang ra để nguội tự nhiên trong thời gian nửa ngày sẽ giúp bánh ráo nước và chắc hơn.
Bánh chưng được chia thành 2 loại là bánh ăn ngay được luộc khoảng 9 tiếng, còn bánh được hút chân không mang vận chuyển đi xa, hay làm quà biếu sẽ được luộc 12 tiếng và có hạn sử dụng trong 1 tuần.
Bánh chưng được bảo quản trong nhà lạnh, hút chân không để bán tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Bánh chưng thể hiện sự đủ đầy, là một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Tại chính ngôi làng truyền thống nức tiếng gần xa với nghề gói bánh chưng cứ mỗi mùng 7 tháng Giêng lại tổ chức lễ cúng tổ nghề, đây cũng là dịp dân làng thể hiện lòng thành kính, dâng lên tổ nghề chiếc bánh to nhất làng với cân nặng lên tới vài chục kilogam.
Theo Chí Hiếu (Pháp Luật & Bạn Đọc)