Không khí Tết Hàn thực ở Hà Nội

09/04/2016 10:25:04

Giống như nhiều gia đình khác, nhà bà cụ Nghĩa ở quận Cầu Giấy đã quây quần các thành viên cùng nặn bánh trôi, chay dâng lên tổ tiên và đón Tết Hàn thực (mùng 3/3 âm lịch).

Giống như nhiều gia đình khác, nhà bà cụ Nghĩa ở quận Cầu Giấy đã quây quần các thành viên cùng nặn bánh trôi, chay dâng lên tổ tiên và đón Tết Hàn thực (mùng 3/3 âm lịch).
Chiều tối ngày 8/4, gia đình cụ Nghĩa (làng Cót, Cầu Giấy, Hà Nội) quây quần các thành viên để tự nặn bánh trôi nhân dịp Tết Hàn thực (mùng 3/3 âm lịch). Hàng năm, nhà cụ đều làm bánh, tuy nhiên, lần này không khí đông vui hơn khi chắt nội của cụ (bé Nam Khánh) cũng tập tành giúp ông bà một tay.
 
Trước đó, cháu cụ đi mua gạo nếp về xát, ngâm nước, trộn lẫn ít gạo tẻ để bột bánh không quá dính. Gia đình cho biết, xát bột nước thì vỏ bánh mượt, ăn ngon, mát hơn so với bánh làm từ bột khô. Hơn nữa tự mang gạo đi xát sẽ có bột tươi, ngon hơn bột bán sẵn bảo quản ở chợ.
 
Bánh trôi viên tròn nhỏ có đường kính khoảng 2 đến 3 cm, lớp ngoài được bọc bằng bột gạo nếp, nhân bên trong là viên đường mật mía nhỏ. Đây là một trong những món quà truyền thống có từ lâu đời của người Việt Nam.
 
"Những năm 89 - 90 khi tôi còn ở quê nhà bên bờ sông Đáy, bãi của làng trồng bạt ngàn mía nên mật mía trong nhà cũng sẵn, thêm mấy bơ gạo đi xát nữa là có bánh trôi ăn cho cả nhà", cụ Nghĩa kể.
 
"Trước đây khó khăn lắm, không phải ngày nào cũng được ăn bánh trôi đâu, chỉ dịp Tết Thanh minh hay hội làng thì gia đình mới nặn bánh, lũ trẻ thích lắm. Giờ nhiều món ăn, quà vặt nên chúng cũng không còn thích như xưa nữa", cụ nói thêm.
 
Cháu bé nhỏ tuổi nhất trong gia đình vừa nặn hoàn thành một viên bánh trôi tròn xoe liền khoe với cả nhà.
 
Sau khi hoàn thành mẻ bột nặn, những chiếc bánh trắng muốt nhỏ xinh được thả vào nồi nước đun sôi vặn nhỏ lửa.
 
Khi bánh nổi lên bắt đầu được vớt ra, thả vào bát nước sôi để nguội cho bánh săn lại và không dính vào nhau.
 
Sau đó cháu trai của cụ vớt bánh ra đĩa.
 
Đĩa bánh trôi thơm ngon đã hoàn thành. Món ăn có vị thơm mát từ gạo, ngọt thanh từ mật mía.
 
Anh Hưng, cháu của cụ Nghĩa dâng hai đĩa lên ban thờ thắp hương tổ tiên. Đây cũng là lễ nghi của nhiều gia đình khác tại miền Bắc tiến hành vào sáng mùng 3/3 âm lịch. 
 
Một góc chợ trên phố Thanh Báo lúc 7h sáng 9/4, các hàng quán bánh trôi, chay tăng cường nhân lực sản xuất hàng phục vụ nhu cầu của những gia đình không có thời gian tự làm.
 
Giá mỗi đĩa lớn 30 viên là 20.000 đồng, đĩa nhỏ 20 viên 15.000 đồng.
 

Các hàng bánh trôi trên phố chợ Hàng Bè cũng chuẩn bị số lượng khá lớn chờ phục vụ khách hang.

 

"Hàn thực" nghĩa là "thức ăn lạnh". Ngày Tết truyền thống này xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam và cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới.

Vào ngày mùng 3/3 âm lịch, những món ăn làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu đều hướng về tổ tiên, nguồn cội. Trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu cứ đến Tết Hàn thực đều cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình.

Theo Tiến Tuấn (Zing.vn)

Nổi bật