Cách đây 6 ngày, "xưởng" sản xuất khẩu trang đã ra đời tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM). Đây là sản phẩm do các y bác sĩ bệnh viện này tự sản xuất ra nhằm phục vụ nhu cầu khẩu trang của các y bác sĩ vòng ngoài.
BS CKII Nguyễn Vĩnh Phước - Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Thống Nhất - là người đề xuất của ý tưởng sản xuất khẩu trang này cho biết, các bác sĩ đã chọn khuôn khẩu trang N95 để sản xuất vì chỉ có thể lựa chọn phương pháp đúc dập khuôn. Cũng theo bác sĩ Phước, làm khẩu trang không khó nhưng làm sao lấy mẫu nhanh nhất, thời gian làm ngắn nhất mới khó.
"Trước khi làm, tôi đã nghiên cứu rất nhiều các quy trình làm khẩu trang, bắt buộc phải sử dụng máy may không dập, máy may siêu âm hoặc máy ép siêu âm thì mép khẩu trang mới dính lại được như khẩu trang N95. Tuy nhiên, những loại máy này trên thị trường rất đắt và hiện tại gần như không có nên các bác sĩ đã nghĩ ra thay đổi công nghệ bằng máy ép nhiệt với một cái khuôn giá thành rẻ hơn, chỉ vài ba trăm nghìn" - bác sĩ Phước cho hay.
Bác sĩ Phước đã tự tay lên khuôn mẫu cho bệnh viện. Từ kiểu cắt, may khẩu trang vải kiểu truyền thống, anh đã tạo ra một khuôn riêng cho khẩu trang của bệnh viện Thống Nhất.
Gồm hai loại khuôn, dành cho nam và nữ riêng.
Bác sĩ sáng tạo khuôn cắt ép theo mẫu riêng cho phù hợp với sản phẩm
Vải để may khẩu trang ở Bệnh viện Thống Nhất là vải kháng khuẩn. Theo bác sĩ Phước, có nhiều nguồn vải này từ Ả Rập Xê Út, Thái Lan, Singapore... Tuy nhiên, bệnh viện đã chọn được nguồn vải kháng khuẩn, không dệt từ Long An. Đây là nguồn vải chất lượng lại ở trong nước nên không phải lo khi sản xuất sẽ bị thiếu hoặc gián đoạn nguyên liệu.
Một bác sĩ trẻ đang thao tác chuẩn bị dập khẩu trang.
Sau khi căn chỉnh cho chuẩn, nhấn nút thì lưỡi dao sẽ cắt vải thành khẩu trang chỉ trong vài giây. Mỗi lần như vậy sẽ có 15 chiếc khẩu trang ra đời. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Thống Nhất sản xuất từ 2.500-3.000 cái khẩu trang.
Quai đeo cũng được đập khuôn cùng lúc với khẩu trang nên không cần công đoạn may dây, luồn dây.
Khẩu trang được cho vào khuôn ép nhiệt
BS CKI Đoàn Xuân Quảng - Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn - kiểm tra sản phẩm trước khi đưa đi hấp tiệt trùng.
Sản phẩm sau đó được bác sĩ tiệt trùng bằng hấp EO (ethylene oxide), đảm bảo rằng các sản phẩm khẩu trang được đưa vào sử dụng trong điều kiện vô trùng an toàn.
Mỗi lần hấp tiệt trùng được khoảng 200 chiếc. Sau khi hấp xong là mang cho các khoa trong bệnh viện sử dụng.
Được biết, khẩu trang kháng khuẩn này được Bệnh viện Thống Nhất sử dụng cho nhân viên y tế vòng ngoài, không điều trị cho y bác sĩ điều trị và người mắc COVID-19.
Theo Kim Vân (Giadinh.net.vn)