Hai đứa trẻ bị trao nhầm ở Bình Phước cách đây 6 năm giờ ra sao?
29/11/2018 11:01:05
Dù được Tòa phán quyết về với bố mẹ đẻ nhưng 2 đứa trẻ bị trao nhầm ở Bình Phước đã dọn về sống chung dưới một mái nhà.
Cuối năm 2012, chị Nga (28 tuổi, ngụ TX.Bình Long, Bình Phước) và chị Liên (25 tuổi) sinh 2 bé gái cùng giờ, cùng ngày tại Bệnh viện Đa khoa Bình Long và bị trao nhầm con.
Khi lớn lên, con gái chị Nga trở thành để tài “nóng” của cả khu phố bởi bé không giống ai trong nhà.
“Lúc đó, tôi cũng nghi ngờ tình cảm của vợ rồi tự hỏi con gái có phải con ruột của mình? Nhưng tôi chỉ để bụng, chứ không dám tâm sự với ai để tránh chuyện hôn nhân đổ vỡ”, anh Khiên (41 tuổi) – chồng chị Nga nhớ lại.
Đầu tháng 5/2016, bố vợ anh Khiên đi bán bánh mỳ dạo tình cờ thấy một bé gái con người dân tộc giống đứa con đầu của anh. Ông đã về nhà thông báo cho vợ chồng con rể biết.
Ngay sau đó, họ đã tìm đến nhà vợ chồng người dân tộc để tìm hiểu.
Nhưng gia đình ấy không tin việc con gái bị trao nhầm mà còn nghĩ người lạ vào bắt cóc con nên không cho vợ chồng anh Khiên lại gần bé.
Hôm sau, anh đưa vợ và bé Ngọc Yến (đứa con nuôi dưỡng hơn 3 năm) lên Sài Gòn xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy bé không cùng huyết thống.
Vợ chồng anh khiếu nại bệnh viện, đồng thời đề nghị xét nghiệm ADN con gái của chị Liên, mới biết hai bên bị trao nhầm con hơn 3 năm qua.
Sự việc xảy ra, đại diện bệnh viện đã gặp mặt xin lỗi, bồi thường mỗi gia đình 20 triệu đồng và yêu cầu trao trả các bé cho cha mẹ ruột.
Nhớ lại phút giây “chia tay” bé Ngọc Yến, vợ chồng anh Khiên đau thắt khi nghĩ tới tiếng khóc gào “Con thương ba mẹ, sao nỡ bỏ con”.
Trong khi đó, ở bản Sóc, bé Lan Anh (con gái ruột) cũng gào khóc, không chịu rời mẹ Liên.
Lo lắng các con bị chấn động tâm lý, vợ chồng anh Khiên bàn bạc với chị Liên cho các con về sống chung, luân phiên mỗi nhà một tuần.
Ngoài ra, để không phải làm lại giấy khai sinh, hai bé đã đổi tên cho nhau: Lan Anh – Ngọc Yến.
Được biết, thời gian đầu về ở với bố mẹ ruột, bé Lan Anh khá trầm tính, ít nói và rất yếu ớt. Nhiều lúc, bé không chịu nói gì, cứ ngồi lặng một góc rồi chảy nước mắt.
“Thấy con khóc, tôi hỏi vì sao con buồn thì con bé nói nhớ mẹ Liên và đòi về bản.
Khi ấy, tôi phải dỗ dành con ở ngoài này chơi với chị hai, em Yến, hết tuần ba sẽ chở vào thăm mẹ. Nghe vậy, con bé mới chịu nín”, anh Khiên tâm sự.
Theo lời kể của anh Khiên, sau vài tháng các con về sống chung, vì chuyện học tập của con nên vợ chồng anh quyết định cuối tuần mới chở lũ trẻ vào bản Sóc.
Ban đầu, chị Liên không chịu nhưng vì tương lai các con nên anh quyết làm vậy.
Nhờ đó, bé Lan Anh đã gần như hòa nhập được với cuộc sống, dần quen với việc có hai bố mẹ. Đặc biệt, 2 bé đã biết yêu thương, bảo vệ nhau khi đến trường.
“Hiện tại, 2 con đang học năm cuối ở trường mẫu giáo. Tối tối, chúng lại bỏ tập tô tập viết cùng nhau luyện chữ rồi ríu rít cười đùa”, chị Nga kể.
Tháng trước, anh Khiên gặp tai nạn trong lúc lao động phải nằm viện điều trị. Mọi việc chăm lo cho các con đều một tay chị Nga đảm nhiệm.
Đôi lúc, chị cảm thấy mệt mỏi vì áp lực tiền bạc nhưng chỉ cần nhìn các con vui vẻ bên nhau là lại thấy hạnh phúc.