"Từ khi nhận lại con, cả nhà tôi thường xuyên đi du lịch"
Sự việc BV đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con giữa 2 gia đình anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, xã Tây Đằng) và chị Vũ Thị Hương (SN 1989, xã Phú Sơn) từng gây xôn xao dư luận vào giữa năm 2018.
Gặp chúng tôi sau gần 3 tháng đổi lại con, anh Sơn cho biết hiện cháu Đoàn Nhật Minh đã được vợ chồng anh hoàn thiện thủ tục pháp lý, đổi lại tên họ trong giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, bảo hiểm… với cái tên mới là Phùng Đăng Khoa
Nhớ lại hành trình xác minh và tìm lại đứa con đẻ, người đàn ông này cho biết đó là khoảng thời gian rất khó khăn đối với anh.
Trước khi đưa đi xét nghiệm, anh làm công tác tư tưởng, thuyết phục vợ. Ngày nhận được kết quả xét nghiệm, bản thân anh phải mất tới nửa tháng mới trấn tĩnh, còn chị Hiền - vợ anh thì bị sốc nặng.
“Trước khi chính thức đổi con, tôi phải đi tham khảo rất nhiều nguồn, tính toán kỹ càng, tránh gây tổn thương cho hai bên. Tôi chủ động liên hệ với các gia đình từng rơi vào trường hợp giống mình để học hỏi kinh nghiệm”, anh Sơn nói.
Người bố sinh năm 1990 cho hay ngày đầu tiên về với bố mẹ đẻ, cháu Khoa (tên cũ là Minh) lạ nhà. Khi mẹ Hương chuẩn bị về, cháu quấn quýt, không muốn rời, quấy khóc nhưng sau đó được gia đình động viên, tinh thần cháu ổn định trở lại.
“Để con gần gũi người thân gia đình, tôi tích cực đưa vợ con đi du lịch. Cả nhà đã đi Sapa, Huế hay gần hơn là đi chơi các khu du lịch của Ba Vì.
Bất kể việc gì gia đình tôi cũng cố gắng làm cùng nhau. Tôi dù bận rộn đến đâu nhưng buổi tối nhất định sẽ dành thời gian tắm rửa, xem phim, chơi đùa cùng các con, ăn bữa tối đầm ấm”, anh Sơn bộc bạch.
Cũng theo anh Sơn, các chú bác trong dòng họ thường xuyên qua nhà, trò chuyện hỏi han và ăn cơm với Khoa. Mọi người muốn Khoa cảm nhận được tình thương yêu mình dành cho cháu.
Bà ngoại đang làm việc ở Trung Quốc cũng thường xuyên gọi điện về hỏi han, mua nhiều quần áo đẹp cho Khoa.
Kể về lần đầu tiên gặp lại con ruột sau 6 năm, anh Sơn xúc động nói: “Khi mới gọi chị Hương nói chuyện, chị ấy sốc, đang nói thì tắt máy luôn. Sau khi trấn tĩnh lại tinh thần, chị Hương chủ động liên hệ với tôi.
Cuối tuần đó, họ hàng nội ngoại nhà tôi tập trung đông đủ, lên thăm chị Hương ở Hà Nội. Cháu Khoa chạy ra ôm lấy bố và ông nội.
Cả gia đình ai cũng rơi nước mắt, nghẹn ngào không thốt lên lời. Đó là khoảnh khắc đáng nhớ, cảm xúc rất khó tả”.
Anh Sơn chia sẻ, hiện Khoa vào học lớp 1 tại ngôi trường mẹ Hiền đang công tác và hòa nhập nhanh chóng với bạn bè.
Ở nhà, Khoa đã biết phụ giúp mẹ Hiền, từ quét nhà, gấp chăn màn cất vào tủ. Tối nào Khoa cũng ngủ với bố mẹ và em trai. Thói quen này nhà anh Sơn vẫn duy trì từ ngày còn nuôi bé Hải.
Anh Sơn nói thêm: “Trẻ con cũng có lúc không nghe lời, mỗi lần như vậy vợ chồng tôi không dùng đòn roi mà chỉ uốn nắn, giáo dục con nhẹ nhàng. Ngay cả ngày cháu Hải ở đây cũng vậy.
Cháu Khoa bắt đầu quen với nếp sinh hoạt của gia đình. Sáng dậy nhà tôi sẽ ăn cơm nhà, không ăn quán. Mẹ Hiền cũng khá cẩn thận trong vấn đề chăm sóc con".
Vẫn theo anh Sơn, mới đầu, tuần nào hai gia đình cũng thăm con, dần dần là 2 tuần, sau là 1 tháng để các bé quen với cuộc sống mới.
“Tôi nghĩ hai bên cần thời gian để xây dựng tình cảm, cho các con quen với gia đình mới. Nếu nhớ nhung quá, hai cháu khó hòa nhập hơn.
Chồng cũ chị Hương cũng về thăm bé Khoa được 2 lần. Anh lịch sự xin phép gia đình tôi, thỉnh thoảng cho mình về thăm con. Dẫu sao, 6 năm qua, bé vẫn gọi người đó là bố.
Tôi cũng không hẹp hòi gì chuyện đó nên bảo anh thăm con bất cứ lúc nào cũng được, nhà tôi không cấm cản”, anh Sơn kể.
Xa con, nỗi nhớ đã trở thành thương
Cố tỏ ra là người đàn ông mạnh mẽ, cứng rắn nhưng khi Hải chính thức chuyển về Hà Nội sống cùng mẹ đẻ, anh Phùng Giang Sơn đã phải thú thật rằng anh nhớ và thương Hải đến thắt lòng.
“Thằng bé lém lỉnh và khéo miệng. Trước kia, cứ ăn tối xong, hai bố con lại lên giường, nằm cạnh nhau và xem ti vi", anh Sơn xúc động nói.
“Tất cả đều hết mực yêu chiều. Bà ngoại đang kinh doanh ở Trung Quốc còn phải sắp xếp, thuê người quản lý rồi trở về Việt Nam để tự tay bế ẵm và chăm sóc Hải suốt 2 năm. Đến khi Hải cứng cáp, bà mới sang bên đó để tiếp quản công việc làm ăn”, anh Sơn kể lại.
Vẫn lời chia sẻ của anh Sơn, quần áo của Hải từ bé đến bây giờ hầu hết đều do bà ngoại mua và gửi về. Chính vì thế, trang phục Hải mặc trên người hầu như không đụng hàng với những đứa trẻ cùng trang lứa.
“Nay Hải về sống với mẹ đẻ, quần áo mùa hè và cả đồ chơi của Hải đều đã được chuyển đi. Riêng quần áo mùa đông thì vẫn còn để lại… Chắc ít bữa nữa, trời se lạnh, chúng tôi sẽ chuyển lên Hà Nội cho cháu …”, anh Sơn xúc động khi nhắc đến cậu con trai đã được nuôi dưỡng trong ngôi nhà của mình suốt 6 năm qua.
Tuy nhiên, sau giây phút xúc động ấy, ông bố trẻ dường như cứng rắn trở lại. Anh tin rằng, mọi việc rồi sẽ ổn và ở môi trường mới, Hải cũng sẽ phát triển tốt.
“Chị Hương đã nuôi dạy Khoa rất tốt nên tôi cũng tin, chị sẽ chăm sóc và nuôi dưỡng Hải tốt như vậy… Chỉ có điều, trong thâm tâm mình, tôi vẫn luôn mong rằng nếu được chị Hương cho phép, gia đình tôi sẽ luôn ở bên cạnh để hỗ trợ, chăm lo cho Hải”, ông bố trẻ trải lòng.
Là hàng xóm của gia đình anh Sơn ở thị trấn Tây Đằng, chị Nguyễn Thị Mai (38 tuổi) cho biết, chị khá bất ngờ vì những đứa trẻ hòa nhập cuộc sống mới rất nhanh.
“Ngay tối đầu tiên sau khi đổi con (cháu Hải được đưa về Hà Nội còn Khoa về với gia đình Sơn, Hiền) chúng tôi có đến chơi, thấy cháu Khoa khóc không muốn xa mẹ. Ai cũng cảm động. Thế nhưng sau đó, Khoa hòa nhập rất nhanh.
Cậu bé không nói nhiều như Hải nhưng rất hay cười và quan tâm em trai. Mỗi khi thấy em một mình đi ra đường là Khoa chạy vội đến ôm em. Thỉnh thoảng, Khoa còn sang cả nhà tôi để rủ con tôi đi đá bóng”, chị Mai cho hay.
Về phần Hải, sau khi chuyển hẳn về Hà Nội, thỉnh thoảng chị Mai vẫn thấy cậu bé về chơi.
“Nghe nói, hôm thì vợ chồng anh Sơn đón, hôm thì mẹ đẻ của Hải đưa về. Thằng bé vẫn hóm hỉnh, khéo miệng như ngày nào. Vì vậy tôi cũng thấy vui lây”, người hàng xóm này chia sẻ.
Theo Vũ Lụa - Diệu Bình (VietNamNet)