Những cô bác bán hàng trong chợ hàng rong, giờ đã hết rong ruổi đẩy xe trên những nẻo đường phố thị, ghé chân vỉa hè bán hàng. Họ đã được quy về một mối, cùng sẻ chia không gian bán hàng cố định, nhưng cái bụi bặm của đường phố Sài Gòn thì chẳng lẫn được vào đâu.
Cứ ngỡ số nghiệp buôn gánh bán bưng thì gánh bưng mà buôn bán nhưng Sài Gòn hào sảng lắm, dư giả để cải tổ dựng nên khu chợ trời ẩm thực hàng rong dễ thương này! |
Sài Gòn vẫn chứa đựng đủ đầy những đặc tính hào sảng của đất phương Nam để thừa sức "nuôi" trong lòng mình những gánh hàng rong nghèo phiêu bạc tứ xứ. Thử một lần rảo chân trong lòng phố, liếc mắt ngang dọc để vô tình nhìn thấy một xâu bánh ú lúc lắc lúc lỉu dễ thương, một "vựa" xoài nhỏ xíu, một túi bánh tráng cột thun vàng có mấy trái tắc chua lè bên trong hay cả những quả cóc xanh mà đứa học trò đang cầm tay chấm muối ớt, chốc chốc lại nhăn mặt la lên "cay quá!".
"Đi ngang nhìn thấy là muốn ghé vô làm chén chè, ly sinh tố, tô bún bò không rau giá ăn liền". |
Nhưng nếu nhìn kỹ thêm chút, có lẽ sẽ thấy cả những đôi mắt buồn thất thểu trên cái gương tèm lem tèm luốt mồ hôi, cũng thất thểu không kém, của những bà cô, ông chú chủ gánh hàng rong. Hàng rong mà, không nơi nghỉ chân, trú mưa trốn nắng, nghiệp số buôn gánh bán bưng thì gánh bưng mà buôn bán. Mệt quá họ chỉ dám dừng chân ở một mái hiên của một ngôi gia xa lạ nào đó, lấy tay đấm đấm vào chân "bẹp bẹp", "bạch bạch", nghe xót xa vô cùng.
Điều buồn nhất mà nếu có thể xảy ra ở Sài Gòn chắc có lẽ là thiếu vắng những xe bún, gánh hàng ăn vặt. |
Và dường như những tiếng "bẹp bẹp, bạch bạch" đó, nó len lỏi vào tận trái tim thị thành để lại một lần nữa, đánh thức đặc tính hào sảng của Sài Gòn. Thế là Sài Gòn cứ thế mà xốn xang, chấp vá vỉa hè, cải tạo và xây nên khu chợ hàng rong ở mặt tiền đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) này.
"Đi ngang nhìn thấy là muốn ghé vô làm chén chè, ly sinh tố, tô bún bò không rau giá ăn liền, khỏi nhọc sức đi kiếm đâu xa mà những ông bà chủ hàng rong cũng không còn rong rủi khó nhằng như trước" - một thị dân Sài Gòn vừa ăn chén chè thứ 3 của quán "ruột" vừa hào hứng tâm sự.
Chị bán sinh tố trong khu chợ này tâm sự: "Có một chỗ bán buôn cố định cũng vui, day qua day lại anh chị em "đồng nghiệp" kể chuyện cũng vui, túm lại cái chợ này gì cũng vui". Một trong những điều khiến người ta thương nhất ở Sài gòn, đó là mối giao hòa đồng đẳng trong nhiều thú ăn chơi. Ở Sài gòn, người lao động bình dân hay ông chú bà cô giàu có nứt vách đổ tường cũng xênh xang rủ nhau xà xuống đây đi ăn tiệm đổi món như ai. Nghĩa tình Sài Gòn đôi khi chỉ dung dị như một tô bún bò của bà cô đây. Bán buôn không ngơi tay mà thi thoảng xoay người qua hỏi khách: "Thêm rau không con? Cần gì nói cô lấy. Nước lèo vừa miệng chứ hả bây?". Hàng quán ở khu chợ này buôn bán dễ thương và tinh tế đáo để, cười một cái như vầy thử hỏi ai không muốn té xỉu tấp vô ăn chén chè cho ngọt lòng thương. Bán buôn thẳng tắp nhìn mướt con mắt! Sài Gòn cứ thế, đẹp xinh văn minh hơn mỗi ngày mà vẫn bao dung chở che cho những gánh hàng nay đây mai đó Thèm cháo ăn cháo, ăn rồi thèm chua cay thì nhảy qua xe bún thái một cái gọn ơ. "Khu chợ này muốn ăn gì mà hổng có" - ông chú giữ xe vừa ghi số vừa nói. Tầm 8-9 giờ là khách đã ngồi kín cả khu chợ, ai đi lẻ ngồi chung bàn, ăn uống tùm lum, lấy giùm nhau cái muỗng, với giùm nhau chai xì dầu tỉnh queo như đi cùng, tới lúc kêu đếm dĩa tính tiền quẹt đít đứng lên đường ai nấy dông cũng tỉnh queo tỉnh rụi. Cô con gái được mẹ dắt đi một vòng chợ, cứ nhỏ nhẻ ngập ngừng sau mỗi câu hỏi: "Sao con muốn ăn gì?". Đèn đóm sáng rực cả một khoảng trời quận Tân Bình, đi ngang ai cũng hiếu kỳ ghé mắt nhìn vô. Mà không may thấy trúng món đang thèm, đố chạy được đi luôn. Thể nào cũng quẹo đầu xe, tấp vô thiệt sát hỏi mua mấy phần đem về, không thì "có bàn có ghế phía sau, cậu em muốn thì ngồi đi chị làm!". Dù lạ, dù quen, dù ăn đây hay mang về cứ hễ là khách thì sẽ được đón tiếp tận tình, phục vụ tận tay. Không ai thấy phiền cũng hổng ai thấy khó chịu. Hai mươi lăm ngàn một tô trái cây bự chảng, ai ăn cũng tủm tỉm cười vì ăn quài ăn quài hổng thấy hết. Chị gái chở con đi đâu về, ghé ngang kêu mua ly sinh tố. Đứa nhỏ thấy đông vui thiếu điều muốn nhảy xuống hòa vào đám người "Sì Gòn" đang cặm cụi ăn uống, cười đùa ha hả. "Hoa lệ" Sài Gòn là đây, không cao ốc vời vợi, không vũ trường nhạc hội mà lại là thói chiêu đãi thật thà ngay trong ly sinh tố nhiều sữa không tính thêm tiền, tô bún măng tặng thêm mấy miếng lòng gà cho cậu sinh viên lót dạ. Cả những bữa tiệc linh đình "nho nhỏ" trên từng chiếc ghế cóc chênh chao. |
Theo Min (Trí Thức Trẻ)