Từ sáng 9/10, nhà ga Sài Gòn đã có khá đông người dân đến để làm thủ tục lên tàu. Được biết, đối tượng ưu tiên của chuyến tàu hồi hương này là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, học sinh và người già đi thăm thân nhân.
Người dân trình giấy tờ để chuẩn bị lên tàu. Đoàn tàu có 14 toa xe, gồm 12 toa chở khách, 1 toa công vụ, 1 toa phục vụ ăn uống. Theo dự kiến, 16 giờ ngày 10/10, tàu sẽ kết thúc hành trình tại điểm cuối của tỉnh Quảng Bình.
Trên tàu, anh Đinh Ngọc Huy (sinh năm 1991) ngồi lặng lẽ ôm ba lô chứa tro cốt người anh trai mất vì Covid-19. "Tôi ở TP.HCM, anh trai thì ở Bình Dương. Anh ấy chẳng may mất sau 2 tuần điều trị tại bệnh viện. Sự ra đi của anh là nỗi đau quá lớn đối với gia đình. Lần nào về quê anh ấy cũng đi cùng tôi, giờ thì chẳng còn nữa...", anh nghẹn ngào nói.
Mùa hè năm 2021, em Hà Vân (học sinh trường THCS-THPT Quảng Bình) đã khăn gói vào Nam để làm công nhân bao bì, nhằm kiếm thêm tiền trang trải học phí. Chẳng may, dịch bệnh bùng phát, em cùng 2 người em họ cũng ở Quảng Bình đã bị kẹt lại Long An. "Em chỉ mới đi làm được 15 ngày thì công ty đóng cửa, gia đình ở quê gọi vào rất lo lắng, cứ khóc miết thôi. Em cũng sợ lắm, phải nhờ ba mẹ gửi tiền vào để trang trải. Bây giờ, chúng em đã được UBND tỉnh hỗ trợ về quê để tiếp tục đi học, em mừng muốn rơi nước mắt".
Chị Hiền Giang (ngụ tại TP.HCM) đã mang thai tháng thứ 8. Dịch bệnh khiến vợ chồng thất nghiệp, con lại sắp chào đời nên buộc chị phải khăn gói về quê. "Về nhà có ba mẹ, mình sẽ yên tâm hơn phần nào. 4 tháng sống trong chật vật, khó khăn trăm bề, mình chỉ mong đến ngày được đoàn tụ gia đình, thấy con chào đời trên quê hương. Mình sẽ đặt tên con bé là Gia Hân, mong con sẽ có cuộc đời bình an, hạnh phúc".
Nhiều gia đình đã đưa con về quê để các em có thể tiếp tục việc học. Được biết, các đoàn tàu sẽ dừng đón khách tại ga Dĩ An tỉnh Bình Dương và ga Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Sau khi đến Quảng Bình, người dân sẽ được cách ly y tế để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Vừa tan ca trực, BS Nguyễn Xuân Thành (bệnh viện Quân Y 175) đã vội vàng đến ga Sài Gòn để gửi tặng bà con đồng hương vài thùng sữa. "Tôi đã chứng kiến nhiều nỗi đau, sự mất mát trong đợt dịch vừa qua nên rất đồng cảm với khó khăn của bà con. Quê tôi ở Quảng Bình, vừa qua tôi cũng đã thành lập nhóm hỗ trợ F0 cho bà con đồng hương. Một ít quà nhỏ để họ mang theo trên chuyến tàu là tấm lòng của tôi. Mong mọi người sẽ thượng lộ bình an trở về quê nhà".
Khi tàu chuẩn bị lăn bánh, nhiều cặp vợ chồng đã chào tạm biệt nhau qua lớp cửa kính.
Anh Hoàng (ngụ TP.HCM) đã nán lại đến sát giờ tàu đi để chơi đùa với con gái. Được biết, do còn công việc nên anh phải ở lại thành phố, vợ con anh về lại Quảng Bình.
Chị Phương (ngụ quận 12, TP.HCM) đã trải qua 4 tháng đầy khó khăn khi cả hai vợ chồng đều không có việc làm. Ngồi trên xe, chị lặng lẽ gọi về cho chồng, dặn dò anh giữ gìn sức khỏe.
Theo Ngọc Ngân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)