Hội Minh thề 500 năm còn giữ nguyên giá trị
Ông Phạm Đăng Khoa (89 tuổi, nguyên Phó ban Quản lý khu di tích Đền - Chùa Hòa Liễu) cho biết, hội Minh thề có từ khoảng giữa thế kỷ XVI. Khi đó, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đến ấp Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy) đã tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc đóng góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.
Thái hoàng Thái hậu đã xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam Bảo và nhiều người theo gương bà cũng tậu ruộng, cúng chùa giúp tăng số diện tích lên đến 47 mẫu 5 sào.
Số ruộng này làng gọi là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ…
Cũng chính từ đây, Thái hoàng Thái hậu đã cùng với chức sắc, dân làng lập ra một hịch văn hội Minh thề quy định lấy việc công làm trọng.
Để gìn giữ lễ hội truyền thống độc đáo này và ghi nhớ công đức của Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, hằng năm người dân làng Hòa Liễu lại tổ chức lễ hội Minh thề kéo dài trong 3 ngày (từ 14 đến 16 tháng giêng âm lịch).
Cũng theo ông Khoa, xưa kia hội thề diễn ra thu hút được rất nhiều thành phần, đủ chức dịch hàng tổng, quan lại hàng phủ về tham dự. Họ cùng giơ cánh tay thề biểu thị sự thanh liêm, quyết không lấy của công dùng làm của tư.
Do những biến cố lịch sử, đến năm 1993 thì lễ hội Minh thề mới được khôi phục và năm 2017, lễ hội này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Theo Nguyễn Hoàn (Tiền Phong)