Sáng 1/2 (11 tháng Giêng) lễ hội đền Sái (Đông Anh, Hà Nội) nổi tiếng với màn rước kiệu vua, chúa giả diễn ra náo nhiệt, thu hút hàng ngàn người về dự. Năm nay, hai bậc cao niên gồm cụ Nguyễn Quang Vinh đóng vai vua còn cụ Trần Văn Tích giả làm chúa.
Ngay từ sáng sớm, sân đình làng Thụy Lôi đã chật cứng người. 8h45, đoàn bắt đầu di chuyển từ đình đến đền và chùa Sái. Thời gian rước mỗi lượt khoảng 1,5 tiếng.
Trước giờ khởi lễ, các dòng họ kiểm tra lại chắc chắn lần cuối kiệu khênh, ngai vàng, dây võng... nhằm hạn chế sự cố khi di chuyển.
Trong tích xưa, kiệu chúa Thanh Giang Sứ đi đầu để dẹp loạn nên khi người làng tổ chức rước kiệu cũng mô phỏng cảnh tương tự. Cứ đi được khoảng 20m, đoàn rước lại dừng lại để tung kiệu "chúa" lên, hàng trăm người thấy vậy cũng hò reo theo.
Trước khi làm vua, chúa, các cao niên đã mất vài năm hoá thân thành "đại quan". Thông thường người được chọn vào vị trí vinh dự này là các cụ ông có độ tuổi trên 70. Cụ Trần Văn Tích (73 tuổi) được hoá trang làm chúa với mặt đỏ đậm, sắc lạnh và nghiêm nghị.
Kiệu chúa năm nay được gần 30 thanh niên là con cháu dòng họ Trần thay phiên nhau đỡ và tung hô. Trong khi trai tráng tung kiệu, "chúa" ngồi trên vung kiếm chém để khuấy động hào khí.
Do kiệu rung lắc mạnh, sau vài lần tung hô, "chúa" phải dừng lại để "cận thần" chỉnh trang mũ áo hoặc tiếp nước.
Bên cạnh vai vua và chúa, người dân Thụy Lôi còn rước kiệu võng chở 4 "vị quan" trong vai Thị vệ, Tán lý, Đề lĩnh và Trấn thủ (trên 60 tuổi). Các "thê thiếp, con cháu" đi bên cạnh.
Nguyễn Quang Huy (8 tuổi) thuộc đoàn rước của "nhà quan Trấn thủ", lần đầu được đi khua cờ. Với các gia đình có người được chọn vào vai quan trọng này là một niềm tự hào rất lớn.
Khách dự hội đứng kín hai bên đường làng đi theo đoàn rước và hò reo tưng bừng. Nhiều người còn đi xe dọc theo mương nước bám theo từ đầu đến cuối.
10h, đoàn rước đến trước cổng đền khênh ngay kiệu "chúa" vào trong, còn kiệu "vua" và các "đại quan" được đưa về chùa.
Sau khi về đến đền, chùa, các "vua quan" làm lễ tế, cầu khấn cho một năm mới bình an, mưa thuận gió hoà.
Lễ hội đền Sái bắt nguồn từ sự tích An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng thần ma gà tác yêu giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên nữ bay về trời nên đắp mãi chưa xong thành. Vì vậy, nghi thức chém gà tinh cũng được du khách và người dân quan tâm. Sau khi nghỉ ngơi, đến 13h, đoàn rước hành lễ để rước ngược lại về đình.
Theo Nhóm phóng viên (VietNamNet)