Trong cuốn sách Đông Dương tráng lệ: Trung Kỳ-Bắc Kỳ-Nam Kỳ (Nhã Nam phát hành) của nhiếp ảnh gia người Pháp Pierre Dieulefils có nhiều hình ảnh tư liệu mang tính sưu tầm, nghiên cứu lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19.
Năm 1885, khi vừa tròn 23 tuổi, Pierre tham gia đoàn quân viễn chinh Pháp và được cử sang Đông Dương, đóng quân ở Hà Nội. Tháng 8/1887, Pierre trở về Pháp và giải ngũ. Do khủng hoảng kinh tế, ông quyết định quay trở lại Hà Nội và trúng thầu việc chụp ảnh thẻ. Nhờ đó, ông được đi khắp ba miền Bắc, Trung, Nam để khám phá và thỏa mãn đam mê nhiếp ảnh.
Ông là nhà phát hành bưu thiếp Đông Dương hàng đầu, dựa trên những bức ảnh do chính tác giả chụp. Ông là người đầu tiên phát hành ra thế giới những tấm bưu thiếp về xứ này.
Hình ảnh Pierre Dieulefils cho thấy, từ xa xưa đã có một thời người dân thoải mái chèo thuyền trên Hồ Gươm.
Đền Ngọc Sơn toạ lạc trên đảo Ngọc trong hồ Hoàn Kiếm. Đền Ngọc Sơn là di tích văn hoá tín ngưỡng tôn giáo, nơi thờ Thánh Trần Hưng Đạo và Quan Vũ Đế cùng hai vị võ tướng được xếp vào hàng thánh và cũng là nơi chứng kiến những buổi tập thuỷ chiến của quân đội Đại Việt. Dẫn vào đền có hệ thống cổng và một cây cầu Thê Húc nối đảo Ngọc với bờ Đông của Hồ Hoàn Kiếm. Xưa kia, đảo Ngọc là nơi chúa Trịnh Giang cho xây cung Khánh Thuỵ đời Vĩnh Hựu (1735-1739) làm nơi yến ẩm, vui chơi ngày hè. Để làm đẹp thêm quang cảnh, chúa cho đắp hai gò núi Đào Tài và Ngọc Bội ở bên bờ phía Đông.
Khi họ Trịnh suy vong, Lê Chiêu Thống được Nguyễn Huệ trao trả quyền hành, năm 1786 đã trả thù họ Trịnh bằng cách đốt trụi Phủ Chúa và cung Khánh Thụy. Đầu thế kỷ 19, một ngôi chùa dựng trên nền cung điện cũ ở đảo Ngọc nên gọi là Ngọc Sơn tự, trước chùa có một lầu chuông khá cao. Năm 1843, hội Hướng thiện quản lý đã chuyển chùa thờ Phật thành đền thờ Tam Thánh và đức thánh Trần Hưng Đạo. Sau đó lầu chuông bị phá bỏ. Năm 1864, nhà nho yêu nước là Phương Đình (Nguyễn Văn Siêu) đã đứng ra tu sửa lại toàn cảnh. Trong đền, ông đề cao việc thờ thần Văn Xương, vị sao chủ trông nom khoa cử theo tín ngưỡng Đạo giáo. Ông cho xây kè đá ở chân đảo, dựng đình Trấn Ba ngày trước đền và trông thẳng ra đảo Rùa. Kiến trúc hiện nay của đền Ngọc Sơn về cơ bản vẫn giữ được quy mô, kiểu dáng từ thời Nguyễn Văn Siêu tu sửa.
Hình ảnh tại khu phố Hàng Bạc. Ngày trước, phố Hàng Bạc có 3 nghề khác nhau: đúc bạc nén, kim hoàn và đổi tiền. Ba nghề này xuất thân từ 3 làng nghề làm đồ vàng bạc nổi tiếng: Châu Khê (Hưng Yên), Ðồng Xâm (Thái Bình) và Định Công (Hà Nội).
Hình ảnh Paul Bert - khu phố sang trọng bậc nhất của Hà Nội thời thuộc địa, thường gọi là phố Tây. Ngày nay, khu phố này được gọi là phố Tràng Tiền.
Hình ảnh Ga Hà Nội, Nhà hát Lớn, Toà án tối cao, Nhà Đấu Xảo, Nhà thờ Lớn. Nhà Đấu Xảo được xây dựng năm 1902. Tòa nhà như một tòa lâu đài, có chiều dài 110m, rộng 30m, cao 27m, nằm trong khuôn viên rộng tới 3.000m2. Do ảnh hưởng của chiến tranh, toà nhà bị "san phẳng". Năm 1985, được sự giúp đỡ của Liên Xô, Việt Nam đã xây dựng một tòa nhà mới với kiến trúc, quy mô khác mang tên Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô.
Cổng nghi môn của đình làng Ngọc Hà, Hà Nội. Đình được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê trung hưng, bên trong thờ Đức thánh Huyền Thiên Hắc Đế, nay có địa chỉ ở ngõ 158 Ngọc Hà, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Hình ảnh cổng chùa Láng. Chùa Láng - tên chữ là Chiêu Thiền tự, là một ngôi chùa cổ của đất Thăng Long xưa. Theo các văn bia ghi lại, chùa được xây dựng thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ năm 1138 - 1175). Chùa tọa lạc ở xã Yên Lãng (tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận), sau này là làng Láng - ngôi làng cổ nằm bên sông Tô Lịch. Hiện nay, chùa nằm trên phố Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa).
Hình ảnh bến tàu và cầu Doumer trên sông Hồng. Người Pháp xây cầu Long Biên trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914), với mục đích tạo con đường sắt từ thành phố cảng Hải Phòng vượt sông Hồng nối với Lào Cai, sang Vân Nam (Trung Quốc). Cầu được xây dựng hoàn toàn bằng thép, không tính hai đầu cầu dẫn, đã trở thành cây cầu lớn nhất của cả xứ Đông Dương thời đó. Lúc đầu, cầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (hiện tại là Cầu Long Biên). Khi mới xây dựng, cầu chủ yếu dành cho xe lửa và hai bên có đường cho người đi bộ, thưa thớt vài loại xe thô sơ, chủ yếu là xe tay kéo. Từ năm 1920 trở đi, khi ôtô du nhập vào Việt Nam và phổ biến hơn thì con đường hai bên cầu mới được mở rộng.
Hình ảnh hiếm về nét sinh hoạt của người Việt hơn 100 năm trướcPhụ nữ mua trang sức tại Hàng Bạc, trẻ nhỏ dạo phố sắm đèn Trung thu, người dân tấp nập đi chợ Bưởi... là hình ảnh hiếm hoi về nét sinh hoạt của người xưa xuất hiện trong cuốn sách ' Việt Nam văn hóa sử cương'.
Theo Tình Lê (VietNamNet)