Nhà hát Hồ Gươm một ngày trước lễ khánh thành. Công trình tọa lạc tại số 40-40A Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trên diện tích khu đất hơn 5.000m2.
Nhà hát nổi bật với 52 cột đá (mỗi cột cao 18m) được đưa về từ Tây Ban Nha tạo nên vẻ đẹp đậm chất châu Âu xưa.
Ý tưởng xây dựng nhà hát là sự cộng hưởng và giao thoa của các yếu tố cổ điển, hiện đại, lịch sử gợi nhớ về những nhà hát đầu tiên của nhân loại. Ngoài ra còn có sự kết hợp các chi tiết mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam như họa tiết trống đồng Đông Sơn, hoa văn chim hạc, nhạc cụ dân tộc hay các hình ảnh rùa vàng trao kiếm…
Tính hiện đại của công trình được thể hiện với hình ảnh hệ kính và các chi tiết mái vòm bao bọc công trình. Mái sảnh sử dụng các chi tiết phù điêu, kể về lịch sử dân tộc.
Nhà hát được chia làm 6 khu vực: Sảnh lớn và sảnh nhỏ phía trước phục vụ tiếp đón khách; Lõi giao thông đứng: tạo điều kiện di chuyển dễ dàng; Khán phòng lớn sức chứa 900 khách và khán phòng nhỏ sức chứa 500 khách; Khu vực hậu trường: sảnh diễn viên, sân khấu phụ, phòng tập, kho đạo cụ, khu văn phòng; Hầm để xe cho khách và nhân viên; Không gian đa năng, phòng nghỉ giải lao, cafeteria và sân vườn tầng 6.
Tổng thể công trình mang nét kiến trúc tân cổ điển với các khối chức năng của một nhà hát được thể hiện một cách rõ ràng. Các hàng cột được sử dụng để tạo sự trang trọng. Phần mái sảnh tạo các nét vòm ngược để công trình bớt góc cạnh, sử dụng khối vuông kính để tăng vẻ hiện đại.
Sảnh chính của Nhà hát Hồ Gươm được lấy ý tưởng của bầu trời đầy sao đêm. Không gian khán phòng lớn với đường nét trang trí được cách điệu từ hình ảnh bông lúa trong logo quen thuộc của lực lượng Công an Nhân dân.
Tại lối vào sân khấu ở hai cánh và cả phía ngoài cổng đều có làn xe lăn dành riêng cho người khuyết tật.
Các bậc tam cấp xung quanh sảnh được trang trí dải đèn Led tạo cho khán giả có cảm giác sang trọng, hiện đại ngay từ khi bước chân vào.
Nhà hát Hồ Gươm cũng được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, hạ tầng kỹ thuật tối tân, ứng dụng công nghệ hàng đầu trên thế giới về âm thanh, ánh sáng, bài trí sân khấu… có khả năng đáp ứng yêu cầu biểu diễn của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ khắt khe nhất như Opera cho đến nhạc giao hưởng, nhạc kịch, Bale-múa, biểu diễn ca múa nhạc, hội thảo, show truyền hình...
Khu vực chiêu đãi dành riêng cho khách VIP trước hoặc sau buổi biểu diễn với những món ăn, đồ uống độc đáo được thực hiện và chế biến riêng theo chủ đề của từng buổi diễn.
Với 2 khán phòng (có sức chứa 500 và 900 chỗ), đây sẽ là sân khấu hiện đại bậc nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đáp ứng được mọi yêu cầu về mặt biểu diễn, đa dạng các loại hình nghệ thuật khác nhau...
Khán phòng nhỏ được thiết kế như một bông hoa đang nở với đường nét là những sóng âm lan tỏa trong không gian. Hệ thống sân khấu trung tâm và ghế ngồi có thể nâng hạ giúp biến đổi thành nhiều dạng sân khấu khác nhau với sức chứa cho 90 nhạc công, trong đó hệ sàn có thể trượt xuống để tạo ra hố nhạc, giúp khán giả hoàn toàn tập trung vào sân khấu mà tầm nhìn không bị ảnh hưởng (sân khấu hình tròn, sân khấu chữ T với 3 hàng ghế bao quanh, sân khấu chữ I lớn, sân khấu chữ I nhỏ, không gian sự kiện). Hệ thống trần hiện đại có thể di động linh hoạt theo tính chất của từng buổi biểu diễn.
Ánh sáng của Nhà hát Hồ Gươm mang phong cách tự nhiên, đáp ứng được đa dạng các loại hình nghệ thuật khác nhau với các không gian biểu diễn đặc trưng riêng biệt như: Ánh sáng để chiếu vào sân khấu, ánh sáng để theo dõi các diễn viên, ánh sáng để tạo nên các khung cảnh nghệ thuật.
Nhà hát Hồ Gươm cũng được đầu tư cơ sở vật chất để tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật và các lĩnh vực khác như: Các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên môn trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chính trị, kinh tế; họp báo giới thiệu các buổi trình diễn nghệ thuật; các buổi giao lưu giữa nghệ sĩ và công chúng; hội nghị của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp...
Hệ thống âm thanh biểu diễn gồm có hệ thống loa Array và hệ thống loa Constellation. Trong đó nổi bật là hệ thống loa Constellation: sử dụng một loạt các micro cảm biến xung quanh khán phòng và khu vực vỏ sân khấu, bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số tinh vi và hệ thống loa đẳng cấp thế giới. Constellation điều chỉnh các đặc tính vang, thời gian vang tại một địa điểm và phân phối lại âm thanh khắp không gian khán phòng, tạo ra trải nghiệm âm thanh tự nhiên ở mọi chỗ ngồi.
Âm thanh Constellation đang là hệ thống hiện đại nhất thế giới. Hiện chỉ có số ít nhà hát trên thế giới được trang bị hệ thống này. Hệ thống thanh điện âm chòm sao với công nghệ âm thanh tương thích cho mỗi địa điểm, các loa có thể ngay lập tức thay đổi âm thanh và cường độ để đáp ứng với bất kỳ loại hình biểu diễn nào. (Trong ảnh là một trong những chiếc loa nằm khắp các bức vách)
Nhà hát Hồ Gươm sẽ thành nơi giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước, nơi đón các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật quốc tế đến biểu diễn. Với vị trí đắc địa, nhà hát cũng sẽ trở thành tâm điểm kết nối với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan kiến trúc để tạo thành quần thể văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí quanh hồ Hoàn Kiếm, nâng tầm điểm đến, góp phần quảng bá văn hóa du lịch thủ đô.
Nhà hát Hồ Gươm được Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội quyết định xây dựng tại số 40-40A Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 12/2021 và khánh thành vào ngày 9/7/2023.
Đây là thiết chế văn hóa kết nối với các công trình văn hóa, lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm tạo ra một quần thể văn hóa tại thủ đô. Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị kiêm nhiệm Giám đốc nhà hát. Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch và Tài chính kiêm nhiệm Phó Giám đốc.
Nhà hát Hồ Gươm sẽ là địa điểm tổ chức các chương trình chính trị, văn hóa, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, TP Hà Nội (hội nghị, hội thảo, các sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật...); tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ đối nội, đối ngoại; tổ chức các chương trình, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội với vai trò như một trung tâm hội nghị quốc tế.
Theo Hoàng Hà (VietNamNet)