Căn nhà rộng 2.000m2, gần 130 tuổi của đại gia buôn gạo giàu nhất Sa Đéc một thời: Nổi tiếng là nơi ghi dấu mối tình lãng mạn được dựng thành phim

30/11/2024 16:10:09

Đây là căn biệt thự với kiến trúc “độc nhất vô nhị” khi có ngoại thất kiểu Pháp kết hợp cùng nội thất kiểu Hoa nổi tiếng xa hoa.

Tọa lạc tại số 225A đường Nguyễn Huệ, phường 4, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một trong những biệt thự cổ nổi tiếng và đặc sắc nhất khu vực miền Tây Nam Bộ.

Ngôi nhà không chỉ mang giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo mà còn được biết đến rộng rãi qua tác phẩm điện ảnh quốc tế Người tình (L’Amant).

Trong bộ phim này, nhân vật chủ nhà được tái hiện qua diễn xuất của tài tử Hong Kong nổi tiếng Trương Gia Huy đã giúp công trình trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là những người yêu văn hóa và nghệ thuật.

Căn nhà rộng 2.000m2, gần 130 tuổi của đại gia buôn gạo giàu nhất Sa Đéc một thời: Nổi tiếng là nơi ghi dấu mối tình lãng mạn được dựng thành phim
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê nổi tiếng gần xa, nằm gần dòng sông Sa Giang êm đềm

Ngôi nhà của nhiều lối kiến trúc độc đáo

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một công trình kiến trúc đặc sắc và giàu giá trị lịch sử, được xây dựng vào năm 1895 bởi ông Huỳnh Cẩm Thuận, một thương gia buôn gạo giàu có bậc nhất Sa Đéc thời bấy giờ.

Ngôi nhà cổ được biết đến như một công trình kiến trúc tiêu biểu, phản ánh rõ nét sự giao thoa văn hóa của miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Căn nhà rộng 2.000m2, gần 130 tuổi của đại gia buôn gạo giàu nhất Sa Đéc một thời: Nổi tiếng là nơi ghi dấu mối tình lãng mạn được dựng thành phim - 1
Một góc trong căn nhà

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm trên khu đất rộng hơn 2.000m2, với diện tích nền 260m2, là sự kết hợp tinh tế giữa các phong cách kiến trúc truyền thống Á Đông và hiện đại phương Tây, tạo nên một tổng thể hài hòa và đầy ấn tượng.

Ban đầu, ngôi nhà thiết kế theo phong cách nhà gỗ truyền thống của người Hoa với đặc trưng là không gian cao thoáng, kết cấu vững chắc và các chi tiết chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ, thể hiện rõ sự giàu sang, sung túc của gia đình thương gia giàu có.

Đến năm 1917, người con trai út của gia đình là ông Huỳnh Thủy Lê, đã thực hiện một cuộc trùng tu kết hợp hài hòa giữa ba phong cách kiến trúc Việt Nam, Trung Hoa và Pháp.

Căn nhà rộng 2.000m2, gần 130 tuổi của đại gia buôn gạo giàu nhất Sa Đéc một thời: Nổi tiếng là nơi ghi dấu mối tình lãng mạn được dựng thành phim - 2
Thiết kế độc đáo, kết hợp nhiều lối kiến trúc hài hoà

Sự thay đổi này được thể hiện rõ nét qua việc xây dựng tường bao chắc chắn và hành lang với mái vòm kiểu châu Âu, đem lại một diện mạo mới mẻ nhưng vẫn hòa hợp với nét truyền thống.

Phần mái nhà được lợp ngói âm dương, với hai đầu hồi uốn cong như hình thuyền cách điệu, mang phong cách đặc trưng của các đình chùa miền Bắc, tạo điểm nhấn mềm mại và duyên dáng cho toàn bộ công trình.

Kiến trúc nội thất của ngôi nhà được thiết kế cầu kỳ và tinh xảo, mỗi không gian đều mang đậm dấu ấn của sự giàu có và gu thẩm mỹ xa hoa thời bấy giờ.

Phòng khách nổi bật với đèn chùm kiểu Pháp sang trọng và quạt trần cổ điển, tạo nên không gian quý phái nhưng vẫn ấm cúng.

Căn nhà rộng 2.000m2, gần 130 tuổi của đại gia buôn gạo giàu nhất Sa Đéc một thời: Nổi tiếng là nơi ghi dấu mối tình lãng mạn được dựng thành phim - 3

Chính giữa ngôi nhà là gian thờ uy nghiêm, nơi đặt các bức hoành phi lớn cùng hệ thống cột kèo được chạm khắc hoa văn cầu kỳ, lấy cảm hứng từ cây cỏ, chim muông.

Đặc biệt, các chi tiết này đều được sơn son thiếp vàng, mang lại vẻ đẹp vừa trang nghiêm, vừa lộng lẫy, khẳng định vị thế của một gia đình thương gia giàu có bậc nhất Sa Đéc thời kỳ đó.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là minh chứng sống động cho sự pha trộn văn hóa giữa truyền thống Á Đông và tinh hoa phương Tây, không chỉ trong kiến trúc mà còn trong lối sống và tư duy của gia chủ.

Căn nhà rộng 2.000m2, gần 130 tuổi của đại gia buôn gạo giàu nhất Sa Đéc một thời: Nổi tiếng là nơi ghi dấu mối tình lãng mạn được dựng thành phim - 4

 

Với giá trị kiến trúc và văn hóa đặc biệt, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh vào năm 2008 và là Di tích Lịch sử cấp Quốc Gia vào năm 2009.

Nhân chứng câu chuyện tình buồn

Không chỉ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê còn gắn liền với câu chuyện tình lãng mạn nhưng đầy ngang trái giữa ông Huỳnh Thủy Lê và nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras.

Mối tình này bắt đầu từ cuộc gặp gỡ trên chuyến phà Mỹ Thuận năm 1929, khi đó Marguerite mới chỉ 15 tuổi và ông Huỳnh Thủy Lê 23 tuổi.

Tình yêu nồng cháy giữa cô nữ sinh Pháp trẻ và chàng công tử nhà giàu đã bị gia đình cấm cản vì sự chênh lệch về địa vị xã hội.

Ngày ông Huỳnh Thủy Lê kết hôn theo sự sắp đặt của gia đình, Marguerite đã lặng lẽ chứng kiến từ xa trong nỗi đau khôn nguôi. Từ đó, bà rời khỏi Sa Đéc, nhưng những ký ức về mối tình đầu đã theo bà suốt đời và trở thành nguồn cảm hứng để bà viết nên cuốn tiểu thuyết tự truyện Người tình (L'Amant).

Căn nhà rộng 2.000m2, gần 130 tuổi của đại gia buôn gạo giàu nhất Sa Đéc một thời: Nổi tiếng là nơi ghi dấu mối tình lãng mạn được dựng thành phim - 5
Bà Marguerite gửi tình yêu thương và sự tuyệt vọng vào tác phẩm của mình

Tác phẩm xuất bản năm 1984 đã gây tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật, được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và chuyển thể thành phim vào năm 1992, giúp hình ảnh nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trở nên quen thuộc với công chúng trong nước và quốc tế.

Hiện tại, nhà cổ đã trở thành một điểm du lịch nổi bật, thu hút du khách bởi sự giao thoa tinh tế giữa kiến trúc Việt - Hoa - Pháp cùng câu chuyện tình yêu vượt thời gian.

Căn nhà rộng 2.000m2, gần 130 tuổi của đại gia buôn gạo giàu nhất Sa Đéc một thời: Nổi tiếng là nơi ghi dấu mối tình lãng mạn được dựng thành phim - 6
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê không chỉ là một di tích lịch sử - văn hóa quan trọng mà còn là biểu tượng cho tình yêu lãng mạn và những rung cảm sâu sắc mà Marguerite Duras khắc hoạ trong từng trang viết.

 Theo Lưu Ly (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật