Clip: Cạn kiệt nguồn dự trữ máu sau Tết và trong dịch bệnh virus Corona, Viện huyết học khẩn thiết kêu gọi hiến máu. Thực hiện: Minh Nhân.
Sau Tết Nguyên đán, tình trạng khan hiếm máu lại xảy ra ở nhiều địa phương trong nước. Kì nghỉ kéo dài, thời tiết khắc nghiệt, máu là chế phẩm sinh học tuy được dự trữ nhưng có hạn sử dụng rất ngắn, trong khi người bệnh vẫn cần truyền máu trong cả Tết. Đặc biệt, thời điểm này, giữa lúc dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona vẫn đang diễn biến phức tạp, kéo theo hệ lụy là tình trạng thiếu máu cho điều trị càng trầm trọng hơn.
BSCKII. Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia cho biết: "Đến ngày 1/2, lượng máu dự trữ của Viện chỉ còn 6.700 đơn vị máu. Dự trù máu từ các bệnh viện mỗi ngày lên tới 1.500 đơn vị; trong khi Viện chỉ tiếp nhận được 226 đơn vị máu trong 10 ngày (từ 29 Tết đến mùng 8 Tết). Khối hồng cầu, khối tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất hiện nay và dự báo tình trạng có thể kéo dài nhiều tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp máu cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố – khu vực Viện đảm nhiệm cung cấp máu".
Nhiều lịch hiến máu đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng đã bị các đơn vị từ chối, trì hoãn trước nỗi lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh virus Corona; dẫn đến lượng máu dự kiến tiếp nhận trong những ngày tới cũng chỉ vài chục đến vài trăm đơn vị mỗi ngày. Con số này quá ít so với nhu cầu 2.500 – 3.000 đơn vị máu cần cung cấp cho các bệnh viện mỗi ngày ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, chưa kể các địa phương khác trong cả nước.
Tình hình thời tiết giá rét, tâm lý e dè hiến máu đầu năm và đặc biệt là tình hình bùng phát dịch viêm đường hô hấp đã làm trầm trọng thêm nguy cơ thiếu nguồn cung cấp máu. BSCKII. Phạm Tuấn Dương cho biết thêm: "Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã thực sự ảnh hưởng đến việc tổ chức hiến máu của nhiều cơ quan, đơn vị. Nếu không có thêm lịch hiến máu, với số lượng bệnh nhân nhập viện để khám chữa bệnh lại đang tăng lên từng ngày sau kỳ nghỉ Tết, thì nguồn dự trữ máu ở tất cả các cơ sở y tế đều ở mức đe dọa, không còn đảm bảo khả năng cấp cứu, điều trị".
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã có công văn báo cáo Bộ Y tế để được phép huy động vận động nhiều người hiến máu song song với tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Từ ngày 5/2, hưởng ứng lời kêu gọi của Viện, hàng trăm người dân, người nhà bệnh nhân, đã không quản ngại khó khăn, tích cực đến các cơ sở sẵn sàng hiến máu và tiểu cầu.
Sau 2 ngày phát động (4-5/2), Viện Huyết học đã tiếp nhận được 908 đơn vị máu và 256 đơn vị tiểu cầu. Các điểm hiến máu cố định ngoại Viện ngày bình thường chỉ được 10 đơn vị máu mỗi điểm thì đã có tới 80 đơn vị máu (26 Lương Ngọc Quyến), 37 đơn vị (ngõ 122 đường Láng) và 21 đơn vị (132 Quan Nhân).
Không chỉ tại Hà Nội, 2 ngày nay, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP. Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận được gần 800 đơn vị máu.
Sau khi đọc bài kêu gọi hiến máu trên mạng xã hội và biết được tình trạng hiện tại bệnh viện cạn kiệt các đơn vị máu, chị Ngọc (28 tuổi, nhân viên văn phòng) đã quyết định đăng ký hiến máu. "Vốn đã từng hiến máu nên tôi biết mình thuộc nhóm máu O - 1 trong số 2 nhóm máu đang thiếu hụt trầm trọng hiện nay. Và đây là lần thứ 3 tôi đăng ký. Khi đến đây, tôi rất vui khi chứng kiến khung cảnh hàng trăm người đợi để được hiến máu. Về tình hình dịch bệnh, ngày nào tôi cũng đọc báo, cập nhật tin tức trên website chính thức của Bộ Y tế và tuân theo các chỉ dẫn, tự bảo vệ mình cũng chính là bảo vệ người khác" - chị Ngọc nói.
Đây là khu vực hiến tiểu cầu. Một người hiến tiểu cầu bằng máy chiết tách tự động hay còn gọi là tiểu cầu đậm đặc, mỗi lần hiến được 6 đơn vị tiểu cầu, trong khi người hiến máu toàn phần 450 ml tối đa chỉ điều chế được 01 đơn vị tiểu cầu. Truyền tiểu cầu đậm đặc giảm nguy cơ gây xuất hiện các phản ứng miễn dịch, giảm nguy cơ gây lây nhiễm HIV và các bệnh nhiễm trùng cho người bệnh.
Chị Lê Thị Loan, giáo viên trường Tiểu học Thuỵ Lâm (huyện Đông Anh, Hà Nội) đến Viện huyết học để đăng ký hiến tiểu cầu.
Tính đến 11h30 ngày 6/2, lượng máu dự trữ của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vẫn chỉ còn 5.000 đơn vị máu, nhóm A đáng báo động khi còn chưa đến 200 đơn vị. Bởi mỗi ngày, Viện cần tối thiểu 1.500 đơn vị máu để cung cấp cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố (với diện bao phủ là 40 triệu dân). Trong khi đó, số lượng máu tiếp nhận của ngày 4/2 và 5/2 tuy đã tăng lên, nhưng vẫn có đến 50% là máu được hiến tặng từ người nhà bệnh nhân.
Các đơn vị máu sau khi tiếp nhận sẽ được phân loại và sắp xếp...
... trước khi chuyển tới Khoa Điều chế máu và các thành phần máu tại Viện huyết học.
Tại đây, các nhân viên tiến hành xử lý các đơn vị máu.
Trong khi đó tại tầng 7 Khoa Ung thư máu của Viện huyết học và truyền máu Trung ương, các bệnh nhân vẫn đang ngày đêm chờ được tiếp nhận máu.
Đã 9 tháng trôi qua kể từ ngày anh Nguyễn Bá Trung đưa bố là ông Nguyễn Bá Hoá từ Hà Tĩnh ra Hà Nội nhập viện. Tết vừa rồi, bố con anh ở lại đón giao thừa cùng các bệnh nhân khác. "Sau Tết, lại đúng đợt dịch virus Corona, nên lượng máu dự trữ tại viện ít dần. Bệnh nhân ra vào phòng cấp cứu liên tục vì thiếu máu và tiểu cầu. Như bố tôi, đã phải 2 lần cấp cứu vì thiếu máu. Những lần như vậy, tôi vẫn thường kêu gọi anh em họ hàng, bạn bè tới hiến máu, bản thân tôi cũng đã hiến máu 8 lần. Tuy không cùng nhóm máu với bố tôi, nhưng mọi người vẫn đến đễ hỗ trợ các bệnh nhân khác" - anh Trung nói.
"Hiện giờ, chúng tôi mong muốn cộng đồng cùng chung tay giúp sức. Mỗi người hiến một ít để cứu người. Bệnh nhân rất đông, nhưng số lượng máu hạn chế" - anh Trung tâm sự.
Hiện nay, đề phòng dịch virus Corona , Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã bố trí nước rửa tay khô, khẩu trang, đồng thời đã đưa vào hoạt động các điểm hiến máu cố định để phân tán số người, đảm bảo không tập trung đông, tránh lây nhiễm.
Nếu đủ sức khoẻ và đảm bảo điều kiện hiến máu (đặc biệt là nhóm O, nhóm A và hiến tiểu cầu) người dân có thể mang theo giấy tờ tùy thân đến các địa điểm sau để tham gia hiến máu:
- Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).
- Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội ở địa chỉ: 26 Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm), 132 Quan Nhân (quận Thanh Xuân) và số 10, ngõ 122 đường Láng (quận Đống Đa); từ 8h đến 17h các ngày thứ 2 đến thứ 7.
- Tại TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Truyền máu – Huyết học (118 Hồng Bàng, quận 5), từ 7h đến 16h30 tất cả các ngày; Trung tâm Hiến máu nhân đạo (106 Thiên Phước, quận Tân Bình), từ 7h đến 16h30 từ thứ 2 đến thứ 6 (Thứ 7 và Chủ nhật làm việc đến 11h).
Theo Minh Nhân - Phương Thảo (Trí Thức Trẻ)