Lễ hội nhằm tái hiện lại câu chuyện về Đức Thánh Thiên Cương. Tương truyền, Thánh có công dẹp giặc Xích Quỷ, được Vua Hùng phong là Thiên Cương. Trên đường dẹp giặc, Thiên Cương đã về Đồng Kỵ tuyển quân chọn tướng. Vào ngày mùng 4 tháng Giêng, ông ra lệnh xuất quân đánh giặc. Trong buổi xuất quân, mọi người tổ chức đốt pháo hò reo tạo không khí náo nhiệt, hào hùng để động viên quân sĩ. Khi dẹp giặc xong, Thiên Cương trở về Đồng Kỵ mở hội ăn mừng.
7h sáng, các công tác chuẩn bị cho lễ rước pháo Đồng Kỵ được triển khai.
Anh Dương Văn Nhất thư ký dân cho biết: “Để nhớ ơn Thiên Cương, làng Đồng Kỵ đã thờ ông làm thần Hoàng làng tại đình và hằng năm mở hội thi đốt pháo, tái hiện ngày Đức Thánh Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc. Từ khi Nhà nước cấm đốt pháo, Đồng Kỵ tổ chức thờ pháo, rước pháo từ nhà truyền thống vào Đình làng, tạo khí thế phấn khởi đối với người dân nhân dịp năm mới".
Khoảng 9h, lễ rước pháo bắt đầu từ nhà truyền thống đến Đình làng.
Trên đường dẫn pháo, trai tráng dẫn đoàn rước, thỉnh thoảng cùng nhau tụ lại hô to như một cách thay cho tiếng pháo, mang đến không khí sôi nổi cho lễ hội.
Những người được lựa chọn lễ rước pháo là những người khoẻ mạnh, không tang bụi, từ 36-50 tuổi. Trọng lượng những quả pháo này đều trên 1 tấn nên mỗi quả pháo đều phải có từ 100 thanh niên cường tráng để rước pháo.
Năm 2016, Hội rước pháo Đồng Kỵ được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để Đồng Kỵ tiếp tục gìn giữ, phát huy di sản văn hóa đặc sắc của lễ hội. Lễ hội được tổ chức trong khuôn viên đình, chùa và đền của làng, từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng. Để làm tốt công tác tổ chức, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, BTC lễ hội, lên kế hoạch phân công các thành viên, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo khí thế thi đua phấn khởi đối với người dân và du khách.
10h sáng, lễ rước pháo di chuyển đến sân Đình.
Các bô lão cùng 4 quan đám trong làng làm lễ tại đình Đồng Kỵ.
Sau khi rước 2 pháo khổng lồ quanh làng, 4 ông quan đám sẽ múa tại sân đình. 4 ông quan đám được các thanh niên cởi trần, mặc quần đùi tung hô trên cao. Ở dưới, các thanh niên chen lấn, xô đẩy chạy vòng quanh, vị quan đám nào được giữ đứng lâu nhất sẽ là người chiến thắng.
Mặc dù là lễ hội truyền thống với quy mô làng nhưng Hội rước pháo làng Đồng Kỵ là một trong những lễ hội mang đặc trưng văn hóa vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc, hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu, bảo tàng sống về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, của dân tộc. Sau khi pháo được rước về Đình làng sẽ là lễ xuất quân với sự cổ động tinh thần quân lính xung phong đi đánh giặc. Đây là một phong tục hay vẫn đang được duy trì và phát huy.
Theo Tùng Đoàn (VietNamNet)