Hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Nằm sát bên cạnh những khu phố cổ chật hẹp, khoảng hồ xanh ngắt đã mở ra một khoảng không đủ rộng cho những sinh hoạt văn hóa bản địa, cho cả những chật chội trong cuộc sống tinh thần của mỗi người dân thủ đô
Chú Hùng ở quận Hoàn Kiếm có thói quen ra hồ tập thể hình đã nhiều năm nay. Chú chia sẻ rằng tuy giờ đây các phòng tập hiện đại mọc lên khắp nơi, cảm giác cùng các anh em yêu thể hình vừa tập vừa ngắm bình minh trong buổi sáng sớm ở bờ Hồ thì không ở đâu có được.
Hồ Gươm luôn được gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Thế nhưng, nếu nhìn ngay trong mỗi giây phút ở hiện tại, sự sống của hồ lại được nuôi dưỡng bởi lòng người. Mỗi niềm vui, nỗi buồn của từng người nơi đây hoà quyện lại cùng tạo nên một bức tranh vừa thực vừa mơ.
Hai bà cháu lên chơi hồ buổi sớm. Hồ Gươm là một phần ký ức tuổi thơ mà hầu hết bất cứ đứa trẻ nào từng đặt chân đến cũng không thể quên.
Hồ hiện hữu trong những điều rất đỗi dung dị. Đôi khi chỉ là nếp nhăn chân chim vương vấn trên khuôn mặt của cụ già tuổi xế chiều, khi mà thời gian đã bỏ lại những ngày tháng rực rỡ thăng trầm.
Để cảm nhận được nét đẹp của hồ thì phải đi thật chậm, nhìn thật kỹ. Mỗi giây phút, mỗi khoảnh khắc đều là một sắc thái tạo nên nét đẹp của hồ Gươm.
Sự đan xen giữa cái cũ và mới tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng lại rất hài hoà. Từng khung cảnh hoà quyện với nhau tạo thành một bức tranh Hồ Gươm đặc sắc.
Cái đẹp là tất cả những điều đang hiện hữu, bao gồm cả tốt lẫn xấu, hoàn hảo lẫn chưa hoàn hảo. Để thưởng thức vẻ đẹp của Hồ Gươm, chúng ta chỉ cần bỏ đi những định kiến trong lòng.
Nhiều người dân Hà Nội có thói quen thắp hương quanh khu vực Đền Ngọc Sơn vào sáng sớm. Văn hoá tâm linh này là một phần không thể thiếu của Hồ Gươm.
Theo lịch sử ghi chép, vào năm 1886, Bá hộ Nguyễn Ngọc Kim thấy huyệt đất trên gò Rùa hợp phong thủy nên ông xuất tiền xây tháp trên gò với ý định chôn hài cốt của cha vào đó. Việc không thành nhưng ngọn tháp ba tầng vẫn được hoàn tất.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đầy dung dị như cảnh tượng người đàn ông vô gia cư chia phần bánh mì của mình cho những chú cá trong hồ.
Nhà thơ Trần Tuấn Khải đã viết những câu thơ ẩn chứa niềm tự hào về đất Thăng Long thiêng liêng, về hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết đòi gươm thần mà Long Quân cho Lê Lợi mượn để đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước nhà, lập nên sự nghiệp hiển hách muôn đời."Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ, xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn. Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn. Hỏi ai gây dựng nên non nước này?".
Mỗi người đến Hồ Gươm đều có những lý do riêng. Một người lao động nghỉ chân để hưởng làn gió mát ven hồ.
Hai người bạn già cùng chụp chung tấm ảnh kỉ niệm. Selfie được minh chứng không chỉ dành cho giới trẻ.
Hay là tìm một góc riêng để lặng nhìn cuộc sống trôi qua.
Vài người khác lại tìm thấy niềm đam mê vào tuổi xế chiều.
Cụ Lê Khánh, nguyên Tổng Biên tập của một tờ báo in tại Hà Nội nay đã dừng xuất bản, chia sẻ: "Bờ Hồ bây giờ khác thời của ông nhiều lắm. Từ khung cảnh cho tới con người. Có người nói đẹp, có người nói xấu, nhưng với ông, hồ lúc nào cũng đẹp, mỗi thời đẹp một kiểu".
Theo Việt Phố Cổ (Trí Thức Trẻ)