Theo Cơ quan Kiểm soát Khí tượng và Đại dương Mỹ, tâm bão Florence dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền chiều 14/9. Tuy nhiên, hiện tại, bang North Carolina và South Carolina đã bắt đầu chịu những ảnh hưởng đầu tiên khi mưa đổ xuống gây ngập lụt diện rộng. Ảnh: Eduardo. Nước tại các con sông dâng tràn bờ. Thiết bị đo ở sông Neuse, gần thị trấn Oriental, cho thấy nước dâng cao 1,5m so với bình thường. Chính quyền cảnh báo nhiều nơi ở thành phố New Bern, bang North Carolina có thể bị ngập tới gần 3 m khi bão về. Ảnh: Getty. Chiều 13/9 (giờ địa phương), bão Florence tạo ra gió với vận tốc gần 170 km/h, tiến về bờ Đông Mỹ ở cấp độ 2. Gần 2 triệu người dân đã được di tản theo lệnh bắt buộc. Trong ảnh, ông Michael Nelson di chuyển bằng thuyền tự chế sau khi nước sông Neuse làm ngập lụt đường phố hôm 13/9. Ảnh: Getty. Nhà thủy văn học Ryan Maue cảnh báo cơn bão sẽ mang đến lượng nước khổng lồ, đủ để đổ đầy hơn 15 triệu bể bơi Olympic. Trung tâm Bão Quốc gia khuyến cáo “sức bão dự kiến sẽ không thay đổi từ giờ đên khi tâm bão vào bờ”. Theo cơ quan này, sức gió có thể gây thiệt hại thậm chí với những ngôi nhà kiên cố. Hơn 102.009 hộ dân và cơ sở kinh doanh đều bị mất điện. Ảnh: Getty. Chính quyền cảnh báo việc không nhanh chóng di tản có thể dẫn đến hậu quả chết người. "Ngập lụt trên đất liền làm nhiều người thiệt mạng. Xin hãy nhớ điều đó và cân nhắc việc di tản sớm", Brock Long, người điều hành Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang, khuyến cáo. Ảnh: Reuters. Theo Thống đốc Roy Cooper, hơn 12.000 người đang trú bão tại 126 cơ sở lưu trú ở bang North Carolina. Ông cho rằng nhu cầu của người dân sẽ tiếp tục tăng nên bang cũng đang chuẩn bị mở thêm nhiều địa điểm trú ẩn khác. Ảnh: Getty Tuy nhiên, nhiều người nói với CNN họ không đi di tản bởi các cơ sở lưu trú không cho phép thú nuôi. Bà Cheryl Browning sống cùng chồng bị ung thư và con trai. Gia đình có 3 con chó và 3 con vẹt. Hàng xóm tốt bụng đã cho bà mượn chìa khóa ngôi nhà 2 tầng của họ để trú bão. "Nói thật là tôi rất sợ, nhưng tôi nghĩ mọi thứ sẽ ổn", bà chia sẻ. Ảnh: Reuters. Ngày 14/9, Guardian đưa tin cơn bão hạ xuống cấp 1 với sức gió 150 km/h, theo Trung tâm Bão Quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo nhắc nhở rằng điều làm cho bão Florence nguy hiểm nằm ở mực nước dâng và ngập lụt. Ảnh: NOAA. Tình trạng ngập lụt trên diện rộng được cảnh báo sẽ làm ô nhiễm nguồn nước địa phương khi nước mang theo chất thải chứa thủy ngân, arsen, chì có thể tràn vào nhà dân. Ảnh: Getty. Cơn bão Florence dự kiến sẽ di chuyển chậm hơn trên đường tới North Carolina và South Carolina. Sức gió đi kèm với mưa không dứt có thể kéo dài đến 15/9. "Nước ngấm vào đất, nên cây cối sẽ dễ bị đổ", Ken Graham, giám đốc Trung tâm Bão Quốc gia, cảnh báo nguy cơ cây đổ ảnh hưởng đường dây truyền tải điện. Ảnh: Reuters. Theo Thống đốc Cooper, người dân bên ngoài tâm bão cũng sẽ chịu ảnh hưởng khủng khiếp. "Hàng chục nghìn công trình bị ngập và con số này đang tiếp tục tăng", ông nói. Ảnh: Getty. Các chuyên gia thời tiết dự báo siêu bão gây ngập lụt không chỉ ở North Carolina và South Carolina mà cả Ohio, Pennsylvania và các bang lân cận. Hơn 5,4 triệu người nằm trong vùng ảnh hưởng của siêu bão và thêm 4 triệu người khác nằm trong vùng chịu tác động nhẹ hơn. Ảnh: Getty. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận ban bố tình trạng khẩn cấp ở các bang North Carolina, South Carolina và Virginia, mở đường cho việc sử dụng ngân sách liên bang. Ông nói chính phủ đã "chắc chắn, hoàn toàn sẵn sàng" ứng phó bão Florence. Ảnh: Getty. Các bang Carolina, Georgia, Virginia và Maryland vẫn còn đang trong giai đoạn phục hồi sau những trận bão mùa hè. Siêu bão Florence là một trong 7 cơn bão đang hoành hành trên khắp thế giới. Một số chuyên gia cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu là một trong những nhân tố gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan. Ảnh: Getty. Theo Ngọc Hà (Tri Thức Trực Tuyến)