Thế giới đang đối mặt với số lượng kỷ lục các cơn bão lớn đồng loạt hình thành, đặt ra mối nguy hiểm lớn. Nhà khí tượng học Tim Heller đăng trên Twitter rằng ông "chưa từng thấy nhiều biến động tại vùng nhiệt đới cùng một lúc như vậy" trong suốt 35 năm sự nghiệp, theo RT.
Florence, siêu bão được dự đoán là "nguy hiểm nhất trong lịch sử Carolina", di chuyển qua Đại Tây Dương và đổ bộ vào Mỹ, khiến người dân phải sơ tán trên quy mô lớn. Giới chức Mỹ đã kêu gọi di tản hơn 1,4 triệu người tại Carolina và Virginia để ứng phó với siêu bão. Cùng với Maryland và Washington DC, các bang này đều tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Tại phía đông của Đại Tây Dương, bão Helene đang đi theo hướng đông bắc về phía châu Âu, theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, cơn bão cấp 1 này dự kiến suy yếu dần trước khi tới đất liền vào tuần sau.
Trong khi đó, tại vùng biển Caribbe, bão nhiệt đới Isaac đang quét qua quần đảo Lesser Antilles với tốc độ gió hơn 70 km/h. Cơn bão này cũng được dự đoán suy yếu và đổ bộ Jamaica dưới dạng áp thấp nhiệt đới vào ngày 17/9.
Joyce, một cơn bão khác hình thành tại Đại Tây Dương, đang hướng về phía quần đảo Azores của Bồ Đào Nha và sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào tuần tới.
Tuy nhiên, khu vực Đại Tây Dương vẫn cần chuẩn bị kế hoạch ứng phó, bởi các nhà khí tượng học hôm qua cho biết một cơn bão nhiệt đới khác có thể hình thành trong 48 giờ tới, sau khi họ phát hiện sự xáo trộn ở trung tâm Vịnh Mexico.
Thời tiết xấu cũng đang hoành hành tại khu vực Thái Bình Dương với siêu bão Mangkhut chuẩn bị đổ bộ miền bắc Philippines. Người dân đã dùng các tấm gỗ chặn cửa kính, gia cố nhà cửa bằng dây thừng và dùng thuyền đánh cá di chuyển đến nơi an toàn.
Cũng tại Thái Bình Dương, bão nhiệt đới Olivia dự kiến di chuyển qua các đảo ở Hawaii, gây mưa lớn và lũ quét, thậm chí "đe dọa tính mạng" người dân. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo sóng cao và gió giật có thể làm mất điện và đổ cây cối.
Washington Post giải thích sự hình thành đồng thời của các cơn bão tại Đại Tây Dương là do sự kết hợp đột ngột của hai yếu tố năng lượng và gió. Các cơn gió mạnh trong khí quyển có thể ngăn chặn sự phát triển của bão ở độ cao thấp, nhưng hiện các luồng gió tại khu vực này đều khá yếu. Thêm vào đó, sự thay đổi tốc độ và hướng gió đột ngột, hay còn gọi là hiện tượng gió đứt, đã đạt đến mức tối thiểu, khiến bất cứ sự xáo trộn nào cũng trở thành bão.
Theo Ánh Ngọc (VnExpress.net)