World Cup 2022: Kỳ vọng những diệu kỳ

30/01/2022 06:55:25

World Cup 2022 không chỉ kỳ lạ bởi diễn ra vào mùa đông tại vùng sa mạc cực tây châu Á. Nó còn đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của những câu chuyện diệu kỳ.

Nhiều năm trước, không ai có thể hình dung ra vùng sa mạc chỉ có bụi và nắng ở phía bắc thành phố Al Khor (Qatar), cách Doha 40km, lại trở thành trung tâm của thế giới. Ngày 21/11/2022, đây sẽ là nơi diễn ra trận khai mạc World Cup 2022.

Trong 6 năm, từ không có gì, một sân vận động mang tên Al Bayt đã mọc lên, với thiết kế giống như căn lều du mục, mái che có thể thu vào và trang bị công nghệ làm mát hiện đại. Những bãi cát khô cằn xung quanh cũng được thay thế bằng trảng cỏ xanh mướt, uốn lượn bên đồi cọ, hồ nước nhân tạo. Và Al Bayt chỉ là một trong tám sân vận động mới được xây dựng, cái giống chiếc thuyền, mũ hay mô phỏng chiếc container. Mỗi sân vận động chứa đựng câu chuyện lịch sử và văn hóa Qatar.

Là quốc gia giàu nhất thế giới tính theo GDP, Qatar đã tạo nên một World Cup xa hoa chưa từng có. 138 tỷ USD được chi cho cơ sở hạ tầng. Không chỉ những siêu sân vận động như Al Bayt, họ còn tạo ra thành phố mới (Lusail) dành cho đêm chung kết, một sân bay, hệ thống tàu điện ngầm mới cùng hàng chục khách sạn và cả triệu cây xanh được dựng lên. Sự nghiêm túc của Qatar thậm chí còn được thể hiện ở cả những chi tiết nhỏ. Ví dụ như trong quá trình xây dựng, các kỹ sư được trang bị chiếc mũ bảo hiểm tích hợp điều hòa nhiệt độ mini chạy bằng năng lượng mặt trời.

World Cup 2022: Kỳ vọng những diệu kỳ ảnh 1
World Cup 2022 sẽ là lần cuối Messi và Ronaldo xuất hiện ở sân khấu bóng đá lớn nhất hành tinh. Ảnh: Getty Images

Ban đầu, quyết định chọn Qatar là chủ nhà World Cup 2022 đã gây ra tranh cãi. Nó dẫn tới các cuộc điều tra chống tham nhũng khiến kết thúc sự nghiệp của Michel Platini và hạ bệ Sepp Blatter. Đồng thời, làm thay đổi cấu trúc và văn hóa bóng đá. Lần đầu tiên World Cup được tổ chức vào mùa đông nhằm tránh cái nắng gay gắt vùng sa mạc, dẫn đến hàng loạt giải đấu trên khắp thế giới phải điều chỉnh và thói quen của cầu thủ, người hâm mộ cũng bị xáo trộn.

Nhưng cuối cùng thì tranh cãi cũng khép lại, tất cả chỉ nói về bóng đá khi World Cup diễn ra. Vì bản chất kỳ lạ của nó, Qatar 2022 hứa hẹn là giải đấu đáng nhớ, hấp dẫn nhất lịch sử.

Qatar đã cố gắng để tham gia bữa tiệc bóng đá lớn nhất hành tinh bằng việc đăng cai World Cup. Khi điều đó đạt thành, họ lại muốn nhiều hơn, đặt mục tiêu tận hưởng lâu nhất có thể bữa tiệc do chính mình tạo ra. Bằng cách đó, Qatar trở thành đại diện cho khát khao chinh phục đỉnh cao của những nền bóng đá luôn bị đánh giá thấp.

Pháp sẽ bảo vệ thành công ngôi vương hay lại đi vào vết xe đổ của những nhà đương kim vô địch gần đây luôn bị loại sau vòng bảng? Đây sẽ là thời của người Anh hay Thế hệ Vàng của Bỉ? Nam Mỹ có thể phục hưng sau 4 kỳ World Cup liên tiếp bị châu Âu vượt mặt? Liệu đội bóng nào sẽ tạo ra màn trình diễn phi thường để chạm tay vào vinh quang?

Những người lãng mạn sẽ mong đợi khoảnh khắc Lionel Messi nâng cao chiếc Cúp vô địch thế giới, sự xác tín cuối cùng cho sự vĩ đại của siêu sao 7 lần sở hữu Quả bóng Vàng. Ngay cả khi điều đó không xảy ra, cũng thật tuyệt vời khi chứng kiến Messi, cũng như Cristiano Ronaldo (nếu Bồ Đào Nha vượt qua vòng play-off) lần cuối bước lên sân khấu bóng đá lớn nhất, khép lại một kỷ nguyên.

Nhưng trước đó, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Và rất khác. Tại World Cup 2018, chủ nghĩa tập thể lên ngôi, đặt dấu chấm hết cho thời đại của những siêu sao một mình dẫn dắt đội bóng. Kylian Mbappe có thể tiếp quản ngôi vị của Messi và Ronaldo, nhưng chiến thuật của Pháp không xoay quanh anh ta. Tương tự, Anh và Bỉ đã vào bán kết đều dựa trên sức mạnh, sự dũng cảm và gắn kết của cả tập thể.Đây cũng là những phẩm chất để Croatia làm nên kỳ tích phi thường. Họ tấn công những thành trì kiên cố của bóng đá và lật đổ các thế lực thống trị, trở thành quốc gia trẻ nhất và có dân số ít nhất, vào đến chung kết World Cup.

World Cup 2022: Kỳ vọng những diệu kỳ ảnh 2
Sân vận động Al Bayt, nơi diễn ra lễ khai mạc World Cup 2022 Ảnh: VisitQatar

Cũng tại World Cup 2018, các cường quốc không còn chiếm ưu thế tuyệt đối. Chưa bao giờ khoảng cách giữa các nền bóng đá xích lại gần đến thế. Những đội bóng nào bị đánh giá yếu hơn nhận ra rằng họ có thể thay đổi cuộc chơi nếu được tổ chức tốt, áp dụng các mô hình hiện đại, học hỏi tư duy chiến thuật tiên tiến và không ngừng nâng cao các tiêu chuẩn.

Tuy sự trỗi dậy này chưa tạo ra bước đột phá ở Nga, nhưng có thể làm nên những cú sốc lớn hơn tại Qatar. Câu chuyện của Croatia là nguồn cảm hứng, khuyến khích các quốc gia nhỏ bẻ rũ bỏ sự sợ hãi và bước ra thể hiện bản thân. Như HLV Dalic nói, “hãy bắt đầu với một giấc mơ và tham vọng, những gì chúng tôi đã làm là một thông điệp tuyệt vời”.

Vì World Cup 2022 diễn ra vào giữa mùa giải, có nghĩa là các siêu sao sẽ tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trong tình trạng mệt mỏi. Kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát và bóng đá bị đình trệ, mật độ thi đấu trở nên dày đặc và vô cùng gấp gáp. Tất cả khiến thể lực bị hao mòn và tăng nguy cơ chấn thương. Các cường quốc đương nhiên chịu ảnh hưởng lớn nhất, đồng thời cũng thiếu thời gian chuẩn bị và lắp ráp đội hình.

Trong cuốn sách “Thế giới phẳng”, tác giả Thomas L. Friedman nói rằng thế giới đã bị “san phẳng” một cách sâu sắc, chấm dứt đặc quyền dẫn dắt của các cường quốc và trao cơ hội cho tất cả để “người tí hon có thể hành động như người khổng lồ”.

Có thể tham chiếu những gì đã xảy ra ở Euro 2020. Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Pháp đều dừng bước ở vòng 1/8.Thất bại của họ cũng là sự tôn vinh Anh, Thụy Sỹ hay CH Czech với những màn trình diễn quả cảm để tạo nên kết quả khó tin.

Đây chính là cơ hội để những đội bóng nhỏ bé dám mơ những giấc mơ lớn và tiến lên lật đổ những gã khổng lồ ở kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia Ả Rập. Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia vốn không xa lạ gì thời tiết ở Qatar có thể đi xa hơn vòng 1/8. Đó cũng là lợi thế cho các quốc gia châu Phi, vốn chưa bao giờ xuất hiện ở bán kết World Cup.

Tất nhiên, không thể không nhắc đến chủ nhà Qatar. Là một quốc gia chỉ có 2,6 triệu dân và chưa bao giờ tham dự World Cup,họ đã làm mọi cách để phù hợp với sân chơi đẳng cấp. Trong một thời gian ngắn Qatar đã nâng cấp bản thân và trở thành nhà vô địch Asian Cup 2019. Sau đó, nỗ lực tích lũy kinh nghiệm bằng việc tham dự Gold Cup của CONCACAF, Copa America của Nam Mỹ, thậm chí góp mặt ở bảng A vòng loại khu vực châu Âu.

World Cup 2022: Kỳ vọng những diệu kỳ ảnh 3
Logo chính thức của World Cup 2022 lấy cảm hứng từ chiếc khăn Ả Rập và cồn cát sa mạc. Ảnh: Mirror

Đây chính là kỷ nguyên mới trong bóng đá, và World Cup. Mỗi cầu thủ, mỗi đội bóng đều có thể ước mơ, hành động, sau đó tạo nên câu chuyện của riêng mình. Mùa đông ở Qatar thực sự đáng để chờ đợi và “chiếc lều” Al Bayt đủ lớn để chứa đựng tham vọng của tất cả. Nó không chỉ thay đổi cách trải nghiệm bóng đá, mà còn hứa hẹn mang đến sự kinh ngạc như chính khẩu hiệu của World Cup 2022: Kỳ vọng những diệu kỳ.

Theo Vịnh San (Tiền Phong)

Nổi bật