Tại cuộc họp trưởng đoàn tổ chức ở Manila (Philippines) cách đây chưa lâu, các nước Đông Nam Á đã thông báo sơ bộ về dự kiến thành phần thi đấu ở đại hội. Đông nhất là chủ nhà với khoảng 2.000 VĐV; Thái Lan và Indonesia cũng khoảng 1.300 - 1.500 VĐV; Malaysia và Singapore khoảng 1.200 VĐV. Đoàn VN chỉ khoảng hơn 800 VĐV, con số được xem là khá khiêm tốn. Tuy nhiên, chủ trương của ngành thể thao đặt ra rất rõ ràng, số lượng có thể không tỷ lệ thuận với chất lượng, nghĩa là ít nhưng tinh.
Không “địch” nổi với chủ nhà
Một quan chức của Ủy ban Olympic VN cho hay: “Lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, Philippines đã phá cách các quy định chung của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, tổ chức với tổng cộng 56 môn (528 bộ huy chương) mà nhiều môn còn được chia thêm nhánh phụ nên con số có thể lên đến 63 môn, phá kỷ lục của Indonesia khi tổ chức 44 môn ở SEA Games 26 năm 2011. Tuy nhiên, họ còn phá cách thêm nữa là đưa vào khá nhiều môn rất “độc” và “lạ” mà trên thế giới chưa từng nghe tên, chưa hiểu luật chơi làm sao, có thể mang đến cho chủ nhà kha khá HCV. Nước đăng cai SEA Games 31 cũng cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh của VN và chúng ta coi đó là thử thách lớn để vượt qua chứ không nên kêu ca”.
Cũng theo vị quan chức này: “Tính sơ sơ, Philippines chắc chắn sẽ đứng nhất toàn đoàn với khoảng trên 200 HCV hoặc nhiều hơn. Thái Lan có thể đoạt từ 100 đến 120 HCV. Lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) dự báo VN chỉ có thể giành 68 - 70 HCV nhưng tôi nghĩ sẽ nhiều hơn. Ở SEA Games 28 năm 2017, Malaysia tổ chức 28 môn với 405 bộ huy chương mà VN đứng thứ 3 với 58 HCV. Lần này, vị trí của VN có lẽ sẽ không thay đổi. Nhưng nếu có sự đột phá, VN vẫn có thể cạnh tranh với Thái Lan vươn lên thứ 2. Thế mạnh của VN nằm ở điền kinh, bơi, thể dục, vật, kiếm và một số môn võ thuộc Olympic”.
Ánh Viên vẫn gánh cả “team”
Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho hay, VN dự kiến sẽ dự 36/56 môn. Riêng Vụ Thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT đăng ký phấn đấu đoạt từ 40 đến 50 HCV. Đây là chỉ tiêu được xem là “vừa sức” vì trong số 14 môn mà Vụ 1 phụ trách, có tới 10 môn bị Philippines cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh. Ví dụ, karate có 4/13 nội dung bị cắt giảm; wushu có 5/16 nội dung; judo có 4/16; taekwondo có 2/21; bắn súng bị cắt giảm với con số gây sốc gồm 23 nội dung đồng đội và 16 nội dung cá nhân. Pencak silat có 6/9 nội dung bị loại bỏ, trong đó có 2 nội dung mà 2 VĐV VN từng đoạt HCV ASIAD 18 là Trần Đình Nam (75 kg nam), Nguyễn Văn Trí (95 kg nam).
Ở môn bơi lội, rất đáng tiếc khi nội dung 800 m tự do nam bị cắt giảm và đây là thiệt thòi cực lớn cho kình ngư trẻ Nguyễn Huy Hoàng (HCĐ ASIAD 18 năm 2018, HCV Olympic trẻ). Dự báo VĐV sẽ đoạt nhiều HCV nhất cho đoàn thể thao VN ở SEA Games 30 vẫn là Nguyễn Thị Ánh Viên. Theo ông Nguyễn Trọng Hổ, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2, Tổng cục TDTT, sau thất bại tại ASIAD năm ngoái, kế hoạch tập huấn của Viên và HLV Đặng Anh Tuấn tại Mỹ đã có một vài điều chỉnh nhỏ mà đến thời điểm hiện tại vẫn đang khá ổn. Khoản tài chính Viên được ngành và quân đội cấp năm 2019 vẫn ở khoảng 150.000 USD và cô vẫn được kỳ vọng sẽ giành 7 - 8 HCV ở SEA Games 30.
Ông Nguyễn Trọng Hổ cho biết Vụ 2 cũng được giao nhiệm vụ đạt ít nhất 30 - 35 HCV. Trong đó bóng bàn cố gắng bảo vệ tấm HCV đồng đội, cử tạ chỉ dám đặt chỉ tiêu 1 - 2 HCV; đua thuyền 2 - 3 HCV. Đặc biệt ở môn bóng đá, đội U.22+2 của thầy Park và đội nữ của HLV Mai Đức Chung đều được đặt trọng trách phải vô địch SEA Games 30.
Theo Nhật Duy (Thanh Niên Online)